Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Nhà nước pháp quyền: Lý luận và thực tiễn

Chủ nhật - 21/09/2014 17:52
Ngày 18/9/2014, Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Trường Đại học Heinrich-Heine-Universität Düsseldorf (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Nhà nước pháp quyền: Lý luận và thực tiễn” với sự tài trợ của Quỹ Gerda - Henkel (CHLB Đức).

Tới dự hội thảo có bà Jutta Frasch (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Liên Bang Đức tại Việt Nam), TS. Michael Hanssler (Giám đốc Quỹ Gerda - Henkel, CHLB Đức) cùng nhiều nhà khoa học Việt Nam và CHLB Đức.

Lý luận về “Nhà nước pháp quyền” đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, từ những quan niệm và ý tưởng sơ khai xuất hiện ở cả phương Đông và phương Tây thời cổ đại về một nhà nước thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo vệ con người, được tổ chức và vận hành một cách khoa học và hiệu quả, đến các lý thuyết về “Nhà nước pháp quyền” (“Rechtsstaat”, “L/état de Droit”, “Rule of Law”, v.v..) thời hiện đại.

Trong tiến trình phát triển đó, “nhà nước pháp quyền” từ chỗ là những tư tưởng, lý luận, đã đi vào thực tiễn tổ chức và vận hành của nhiều nhà nước, nhiều thể chế quyền lực mang tính khu vực và toàn cầu, trở thành một cơ sở, công cụ quan trọng để giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, hợp tác quốc tế v.v… Tinh thần pháp quyền đã và đang thấm sâu vào các mối quan hệ ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, góp phần định hình cách tư duy và cách ứng xử giữa các chủ thể nhằm đảm bảo cho các quyền công dân, quyền con người và quyền dân tộc, vì sự tồn tại và phát triển bền vững của mọi người, của các dân tộc và của cả loài người. Trên ý nghĩa đó, “nhà nước pháp quyền” từ chỗ là một tài sản khoa học đã trở thành một tài sản văn hoá chung của nhân loại, cần được gìn giữ, khai thác, bổ sung và phát triển.

Nước Đức có vinh dự là một trong những quê hương của khái niệm và học thuyết “nhà nước pháp quyền” thời cận - hiện đại. Trong Hiến pháp cũng như trong tổ chức và vận hành của nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức hiện nay, nhiều giá trị của lý luận “nhà nước pháp quyền” đã được từng bước hiện thực hoá. Những thành quả nghiên cứu về “nhà nước pháp quyền” của các học giả Đức có giá trị khoa học cao, cần được tham khảo.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi tiên phong trong việc xây dựng một nhà nước mà trong đó “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1994), vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền đã được đặt ra và ngày càng trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam. Đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã hình thành và đang từng bước được hoàn thiện ở Việt Nam, mà một dấu mốc quan trọng chính là sự ra đời của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013). Tuy vậy, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, xét trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, vẫn còn có nhiều vấn đề đang được đặt ra và cần được giải quyết thấu đáo trên cơ sở tiếp cận liên ngành, đặc biệt là tiếp cận khoa học chính trị và tham khảo kinh nghiệm các nước.

Với ý nghĩa đó, hội thảo “Nhà nước pháp quyền: Lý luận và thực tiễn” chính là diễn đàn để các nhà khoa học Đức và Việt Nam trao đổi những thành quả nghiên cứu mới nhất về nhà nước pháp quyền trong lịch sử và hiện tại cũng như bài học có thể tham khảo cho cả hai bên.

Hội thảo chia làm 4 tiểu ban: Nhà nước pháp quyền từ góc độ lý luận; Nhà nước pháp quyền - so sánh đối chiếu; Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh toàn cầu; Nhà nước pháp quyền - lĩnh vực nghiên cứu hợp tác quốc tế.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề chính: lịch sử nhà nước pháp quyền; nhà nước pháp quyền và luật cơ bản; nhà nước pháp quyền và kinh tế; nhà nước pháp quyền và xã hội; nhà nước pháp quyền và quản trị toàn cầu.

Một số nội dung cụ thể được thảo luận như: nhà nước pháp quyền XHCN dưới góc nhìn chính trị học; từ quan niệm về khế ước xã hội của JJ Rousseau suy ngẫm về nội dung pháp luật trong nhà nước pháp quyền; tư tưởng JJ Rousseau về phương thức tổ chức và kiểm soát quyền lực Nhà nước; nhà nước pháp quyền và quản trị toàn cầu; vai trò của báo chí trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay; pháp trị trong sự phát triển toàn cầu của chủ nghĩa hiến pháp; thiết chế Nhà nước tập quyền thời Lê sơ - những giá trị và bài học lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền; nhà nước pháp quyền và hiến pháp Việt Nam; đấu tranh chống tham nhũng dưới góc nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh…

Tác giả: Thanh Hà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây