Một năm học 2020-2021 với nhiều kết quả nổi bật trong công tác đào tạo tại ĐHQGHN
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân tại hội nghị
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 tổ chức tại ĐHQGHN, ngày 1/10/2021.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự hội nghị có các Phó Giám đốc ĐHQGHN: Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác đào tạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức điểm qua kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021
Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Báo cáo chỉ rõ, công tác đào tạo ở ĐHQGHN năm học 2020-2021 tiếp tục đổi mới, phát huy mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, quy mô đào tạo bậc đại học của ĐHQGHN được duy trì ổn định, tính đến ngày 31/7/2021 là gần 34.500 sinh viên. Quy mô đào tạo bằng kép toàn ĐHQGHN là 2.056 sinh viên. Quy mô đào tạo bậc sau đại học (SĐH) là gần 7.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, năm 2021, ĐHQGHN bắt đầu triển khai nhiều chính sách đổi mới công tác tuyển sinh SĐH và thực hiện một số điều chỉnh để hỗ trợ đơn vị triển khai công tác này tốt hơn.
Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng điểm qua kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 trên các lĩnh vực công tác: Công tác tuyển sinh đại học, sau đại học có nhiều đột phá về số lượng và chất lượng. Kết quả tuyển sinh cho thấy các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt, qua đó thấy được sức hút của các ngành nghề theo nhu cầu xã hội; Công tác phát triển CTĐT tập trung vào việc mở mới và đào tạo thí điểm các CTĐT không có trong danh mục GD&ĐT cấp IV của Bộ GD&ĐT, các CTĐT liên ngành/liên lĩnh vực, mở rộng các CTĐT chất lượng cao theo đặc thù đơn vị…
Hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng có việc làm cho sinh viên được đặc biệt chú trọng. Đào tạo được gắn kết chặt chẽ với NCKH và các nhóm nghiên cứu. Đến nay hơn 90% các NCS khối KHTN, Kỹ thuật – Công nghệ của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án đều có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Năm học vừa qua có 5 ngành của ĐHQGHN được xếp hạng 500 - 600 thế giới trong bảng QS là Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học, Kinh doanh và Nghiên cứu quản lí. Đây là lần đầu tiên ngành Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý được QS xếp hạng.
Đẩy mạnh các CTĐT liên kết quốc tế các lĩnh vực: Kinh tế, Kinh doanh, Quản lí, Công nghệ với các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín; Kiểm định và đánh giá chất lượng các CTĐT từ đó có những giải pháp cụ thể và thiết thực để nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; Đổi mới hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN được triển khai đồng bộ từ bậc THPT cho đến bậc ĐH và SĐH và góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; Công tác giáo trình học liệu, tin học hóa quản lí đào tạo cũng được triển khai một cách bài bản và tích cực theo hướng chuyển đổi số giáo dục và đào tạo…
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong những năm học tới, đó là: Việc mở CTĐT chất lượng cao mới chỉ tập trung ở một số ngành/chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao mà chưa được chú trọng ở các ngành khoa học cơ bản; Một số CTĐT chất lượng cao chưa thật sự khác biệt với CTĐT chuẩn; Việc đầu tư cho các CTĐT chất lượng cao chưa thật sự tương xứng; Điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng quy mô đào tạo bậc ĐH; Tuyển sinh SĐH còn gặp nhiều khó khăn…
Chủ đề của năm học 2021-2022 là “Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và các ngành kĩ thuật – công nghệ”. Năm học tới, công tác đào tạo ở ĐHQGHN tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (1) Xây dựng và triển khai Đề án Tổ chức các kì thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN để tuyển chọn nhân tài; (2) Đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; (3) Đổi mới cấu trúc nội dung CTĐT; (4) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ; (5) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kĩ thuật – công nghệ.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo báo cáo kết quả kì thi ĐGNL năm 2021
Liên quan đến kì thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) cho học sinh THPT, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo cho biết, kì thi ĐGNL năm 2021 đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó – dễ theo khoa học đo lường – khảo thí hiện đại. Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá. Năm 2022, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN dự kiến tổ chức nhiều đợt thi ĐGNL trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề hạn chế còn tồn tại thời gian qua, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục trong những năm tiếp theo.
Trao đổi về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Lê Thanh Sơn, chuẩn đầu ra trong đào tạo tiến sĩ giữa các quốc gia có những yêu cầu khác nhau về kiến thức, kĩ năng và công bố quốc tế của nghiên cứu sinh. Quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN được áp dụng từ năm 2018 quy định, công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với nghiên cứu sinh. Điều này đã tạo tiền đề tốt để hướng tới đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế. Các nghiên cứu sinh được Nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các nhóm nghiên cứu, trao đổi học tập quốc tế nhằm gia tăng công bố quốc tế. Đồng thời, Trường cũng tìm kiếm và hỗ trợ nghiên cứu sinh đạt các học bổng hỗ trợ nghiên cứu. Công tác đào tạo tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tiến tới dần đạt chuẩn quốc tế về công bố.
Nhấn mạnh vai trò của các ngành khoa học cơ bản trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và quản lí, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Lại Quốc Khánh cho biết, Nhà trường có nhiều chính sách, chủ trương khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm thúc đẩy công tác đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kiến nghị ĐHQGHN cần ưu tiên đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực của Nhà nước và xã hội. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản bằng nguồn lực nội tại, Nhà trường đề xuất một số hướng đầu tư, phát triển từ góc độ quản lí nhà nước đối với các ngành này: Cơ chế Nhà nước đặt hàng các ngành đào tạo khoa học cơ bản; Nhà nước có cơ chế ưu đãi, khuyến khích giảng viên và sinh viên các ngành khoa học cơ bản…
Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục Mai Trọng Nhuận và Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy đều đồng quan điểm, các đơn vị đào tạo cần xây dựng lộ trình kiểm định chất lượng cho các CTĐT chuẩn quốc tế mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực, hướng tới thực hiện tốt Chiến lược phát triển ĐHQGHN. Song song với đó, các đơn vị đào tạo cũng cần xác định các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết các yếu tố, điều kiện đảm bảo chất lượng có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng của ĐHQGHN và đánh giá chất lượng các CTĐT như: yêu cầu về chuẩn đầu ra, hoạt động kiểm tra đánh giá, thiết kế CTĐT, cơ sở vật chất…
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, việc tăng quy mô đào tạo cần song hành với việc nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng có việc làm của người học. Đồng thời, các đơn vị cần lưu ý đảm bảo tỉ lệ giảng viên/sinh viên cũng như triển khai các giải pháp thúc đẩy gắn kết nhà tuyển dụng. Các nội dung về đảm bảo chất lượng cũng phải được lồng ghép một cách linh hoạt trong quy chế đào tạo của ĐHQGHN.
GS. Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược đề xuất, ĐHQGHN cần có cơ chế tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên các ngành đào tạo đặc thù như lĩnh vực y – dược. Hiệu trưởng Lê Ngọc Thành bày tỏ mong muốn, lãnh đạo ĐHQGHN cũng như các đơn vị thành viên tiếp tục ủng hộ và phối hợp với Trường trong đào tạo, hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để sinh viên, học viên của Trường có cơ hội thực hành, thực tập tốt hơn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Nguyễn Quý Thanh bày tỏ quan điểm phát triển các CTĐT khối ngành giáo viên, khoa học giáo dục phù hợp với định hướng của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. GS. Nguyễn Quý Thanh cho rằng, cần thống nhất về chính sách và cơ chế ghi nhận sự tham gia của giảng viên cũng như có sự hỗ trợ giảng viên trong việc xây dựng bài giảng, học liệu trong giảng dạy trực tuyến, giảng dạy kết hợp (blended learning).
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, tích hợp dữ liệu các phần mềm, hệ thống quản lí đào tạo dùng chung trong toàn ĐHQGHN nhằm thuận tiện hơn trong hoạt động quản lí, điều hành.
Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao những thành tựu của ĐHQGHN trong năm học vừa qua, ghi nhận nỗ lực của các đơn vị đào tạo trong việc phát triển các CTĐT và từng bước nâng cao quy mô đào tạo SĐH; nỗ lực vượt bậc để đảm bảo “dạy tốt, học tốt”, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Giám đốc Lê Quân đề nghị, thời gian tới, công tác đào tạo cần tập trung theo hướng phát triển chất lượng, hiệu quả đào tạo và cơ cấu ngành nghề thích ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Giám đốc yêu cầu, các đơn vị đào tạo cần làm tốt các nhiệm vụ sau trong năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo:
Một là, xây dựng và điều chỉnh Quy chế đào tạo phù hợp với Nghị định và Quy chế mới về ĐHQG. Trong đó, ưu tiên thí điểm các mô hình, phương thức đào tạo theo chuẩn quốc tế, hoàn thiện mục tiêu chuẩn đầu ra với năng lực, kĩ năng phù hợp khối ngành/nhóm ngành, phát huy cao nhất vị thế và đặc thù của ĐHQGHN.
Hai là, tăng cường kĩ năng xây dựng học liệu theo phương thức giảng dạy trực tuyến, giúp giảng viên chủ động hơn trong việc xây dựng, thiết kế bài giảng, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Ba là, đổi mới về cấu trúc CTĐT gắn với kiểm định chất lượng và quản trị đại học, từ đó gia tăng khả năng thích ứng các vấn đề thực tế của sinh viên, đồng thời giảm chi phí đào tạo của đơn vị; các đơn vị cần chú trọng và đẩy mạnh tiến độ kiểm định các chương trình đào tạo ĐH và SĐH.
Bốn là, tăng cường đào tạo liên ngành, liên đơn vị theo mô hình a+b các ngành thuộc lĩnh vực kĩ thuật – công nghệ. Điều này giúp giải quyết bài toán về nguồn thu gắn với chất lượng đào tạo và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động 4.0.
Năm là, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo SĐH, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ; xây dựng và triển khai đề án đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Kĩ thuật – Công nghệ và thí điểm đào tạo bậc tiến sĩ theo cơ chế đặt hàng; tiếp tục duy trì, bổ sung quỹ học bổng và quỹ khen thưởng và các giải pháp khuyến khích nhằm tăng cường công bố quốc tế của học viên, nghiên cứu sinh và giảng viên của đơn vị.
Sáu là, tăng cường đầu tư cho đào tạo tài năng và khối ngành khoa học cơ bản theo hướng tập trung, cá thể hóa, tránh đầu tư dàn trải.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải phát biểu tại hội nghị
Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính Phạm Xuân Hoan trình bày báo cáo cơ cấu thu chi theo ngành nghề ở ĐHQGHN
Tác giả: Hương Giang - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn