Tham gia tuyển sinh đợt này có trên 1200 sinh viên năm thứ nhất của ĐHQGHN đã trúng tuyển qua kì thi “3 chung”, nay đăng kí dự thi vào các hệ đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Trong đó, ngày thi đầu tiên có 730 thí sinh tham gia, đạt xấp xỉ 90% số thí sinh đăng kí tham gia dự thi. Đây là đợt thi để các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN tuyển chọn các sinh viên có đủ năng lực, phẩm chất cần thiết và phù hợp học tập ở các hệ đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Có tổng số 110 cán bộ tham gia coi thi và phục vụ đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên này. ĐHQGHN huy động 459 máy tính tại 14 phòng thi phục vụ kì thi. Bài thi đánh giá năng lực chung được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Tổng số điểm tối đa là 140 điểm. Phần bắt buộc bao gồm hai hợp phần: phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức toán học (tư duy định lượng) và phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn (tư duy định tính). Phần tự chọn, thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), mỗi hợp phần gồm 40 câu. Bài thi ĐGNL của ĐHQGHN là sự tích hợp các nội dung kiểm tra đánh giá trên cơ sở khoa học về đánh giá năng lực, đó không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn, đồng thời những kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy. Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Qua ngày thi thứ nhất, các thí sinh đều bày tỏ sự hứng khởi với phương thức thi ĐGNL ở ĐHQGHN. Đa phần các thí sinh cho rằng, nội dung thi nằm trong sách giáo khoa và gồm các kiến thức tổng hợp. Trong ngày mai, 11/9/2014, tiếp tục diễn ra kì thi tại hai cụm thi: Cụm thi Xuân Thuỷ (tại phòng máy tính của Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế và Khoa Luật); Cụm thi Thanh Xuân (tại phòng máy tính của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn). * Dư Anh Quân, sinh viên ngành Khoa Khoa học Máy tính, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN Em cho rằng, đánh giá năng lực là hình thức thi rất hay, phù hợp với việc đánh giá được học sinh theo nhiều chiều, đánh giá mang tính tổng hợp. Nội dung thi thể hiện tất cả các kiến thức mà chúng em đã học trong bậc THPT. Em thấy kết cấu đề thi hợp lý. Nội dung thi đa phần không khó, chỉ có một số câu hơi khó đối với em thôi ạ. * Nguyễn Lê Hải, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ Hình thức thi mới lần đầu tiên áp dụng, đánh giá tổng quan tất cả kiến thức chúng em được học từ cấp 3, có thể áp dụng cho các lĩnh vực sau này. Thường thì HS sẽ bỏ qua các kiến thức xã hội nếu học chuyên về tự nhiên, hình thức thi này buộc HS phải học đồng đều các môn, các mảng kiến thức, các lĩnh vực… Phương thức thi được ĐHQGHN nghiên cứu tiếp cận với hình thức đánh giá năng lực của thí sinh theo hướng tiếp cận quốc tế. Theo em, hình thức sử dụng để tuyển sinh vào các ngành của các nơi khác, giúp tổng hợp tất cả kiến thức xã hội chứ không phải chỉ những môn thi đại học. * Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Cách thi khác, cách thi mới lạ, có sự đổi mới cao. Cách thi không chỉ đòi hỏi kiến thức bọn em đã thi ở trong khối D mà tích hợp kiến thức của rất nhiều môn học khác, trong đó mảng kiến thức khoa học xã hội khá phong phú. Từ trước đến nay, chúng em tập trung chủ yếu vào các môn mà chúng em sẽ thi đại học. Sự quan tâm của chúng em đến các môn thi khác không nhiều nên chúng em cũng có gặp một số khó khăn nhất định. Nếu hình thức thi này áp dụng rộng thì cần có một khoảng thời gian để học sinh thí sinh thích ứng. Các bạn đa phần vẫn đang học theo khối thi nên ít chú trọng các môn học khác. Việc thi như thế này khiến chúng em phải có một lượng kiến thức tổng hợp, khá đồng đều giữa các môn. * Dương Thảo Ngọc Ánh (ảnh bên), sinh viên ngành Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Bài thi với đa số các kiến thức em đã học trong chương trình phổ thông. Cá nhân em thì không chắc chắn về nội dung trả lời cho một số câu hỏi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn