Hội thảo “Hướng tới xây dựng các chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ WTO” do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) - Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức ngày 13/11/2009.
Hội thảo “Hướng tới xây dựng các chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ WTO” do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) - Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức ngày 13/11/2009.
Các đại biểu tại hội thảo đã thảo luận xung quanh các nội dung chính: tại sao phải xây dựng các chuẩn mực xã hội (CMXH) trong khuôn khổ WTO? WTO cần xây dựng các chuẩn mực xã hội theo hướng như thế nào để đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn? Việt Nam sẽ phải có những thay đổi gì để đáp ứng các chuẩn mực trong WTO? sự tham gia vào các chuẩn mực xã hội chung của thế giới sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình phát triển trên mọi mặt của Việt Nam?
Tác giả Trần Bách Hiếu (Trường ĐHKHXH&NV) đưa ra định nghĩa về CMXH của WTO: “là các nguyên tắc, tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sức khoẻ, an toàn, thịng vượng, dân chủ, tự do, bình đẳng cũng như tính công khai, minh bạch, hiệu quả của WTO đối với nền thương mại toàn cầu và xã hội toàn cầu, theo đó, tất cả các thành viên của nó tuân thủ và thực hiện”. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân thực tiễn và cấp thiết dẫn tới buộc phải xem xét xây dựng những chuẩn mực chung, một số giải pháp mà tác giả đưa ra để WTO hoạt động hiệu quả hơn là: cần xây dựng các chuẩn mực trên theo nguyên tắc cẩn trọng; tiến hành cải cách các nguyên tắc, thủ tục trong WTO; có cơ chế đối thoại với những ai muốn phát biểu về thương mại và mở cửa đối với quá trình xử lí tranh chấp; tiến hành đàm phán tự do hoá thương mại theo trình tự; chấm dứt sự cạnh tranh xé rào của nhiều nước về mức ưu đãi thuế quan; tách rời việc giải quyết các vấn đề thương mại trong WTO với các vấn đề khác...
GS.TS. Hermann Sautter (CHLB Đức) lại quan niệm chuẩn mực xã hội như là nhân tố quan trọng, là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của trật tự kinh tế và xã hội quốc tế và chứng minh điều đó qua một loạt các điều luật và sự kiện lịch sử lớn đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Ông nói: “Việc đảm bảo các chuẩn mực xã hội không chỉ là phương tiện hữu hiệu để thực thi công bằng xã hội mà còn là một mục tiêu hiến pháp. Tông trọng tuyệt đối chuẩn mực xã hội cũng là một chiến lược tốt để giữ vững lợi thế về chính sách thương mại của đất nước”.
Tác giả Tống Văn Chung (Trường ĐHKHXH&NV) lại bàn sâu về hệ chuẩn mực mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ và làm theo khi tham dự vào thị trường thương mại quốc tế trên cơ sở phân tích kĩ những điều khoản cơ bản quy định về vai trò của các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động thương mại của WTO. Tác giả cho rằng: “trong bối cảnh hội nhập, chuẩn mực xã hội của các doanh nghiệp chính là hành động để đáp ứng những yêu cầu của đối tác ở mọi cấp độ trong khuôn khổ hiệp tác của mình”.
Tham luận “Xây dựng chuẩn mực về sở hữu trí tuệ theo quy định của WTO” của TS. Trần Văn Hải (Trường ĐHKHXH&NV) đề cập đến việc phải xây dựng hệ tiêu chuẩn chung, thống nhất ở Việt Nam sao cho phù hợp với quy định của WTO, trong một lĩnh vực mới nhưng rất quan trọng của thương mại thế giới là lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là ở hai khía cạnh: chuẩn mực trong việc thực thi quyền tác giả và chuẩn mực về quản lí sở hữu trí tuệ.
Bàn về tác động của tự do hoá thương mại dịch vụ trong khuôn khổ WTO đối với xã hội Việt Nam, TS. Hà Văn Hội (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) nhận định: “Việt Nam gia nhập WTO trong điều kiện sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Trong bối cảnh ấy, tự do hoá thương mại dịch vụ vừa mang lại những cơ hội, vừa mang đến những thách thức, tác động ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việt Nam cần nhận thức rõ những tác động ấy để chủ động tận dụng cơ hộ, vượt qua khó khăn để từng bước hoàn thiện các chuẩn mực xã hội trong WTO”.
Một số báo cáo khác phân tích ảnh hưởng của hội nhập kinh tế đối với việc hình thành các chuẩn mực trong kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn mực về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vai trò của nhà quản lí, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, đào tạo cũng như việc hình thành các hành vi văn hoá – xã hội của thanh niên...
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn