Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành sân chơi rộng lớn để giao lưu, chia sẻ và kết nối mạnh mẽ. Theo nghiên cứu của We Are Social Media tháng 1/2017, với dân số khoảng 93 triệu người, Việt Nam có hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội này đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, trong đó có cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Phạm Quang Minh ((Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS)) khẳng định: “Facebook đang trở thành một "ngôi làng toàn cầu”, tạo cơ hội kết nối và tương tác hoản hảo để giao tiếp và liên lạc trong kỷ nguyên số. Ngoài những lợi ích không thể phủ nhận của Facebook và Internet thì nó cũng có những mặt trái, tác động tiêu cực khôn lường. Vì vậy, chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể về các tác động đa chiều của mạng xã hội tới người sử dụng. Chủ đề của Hội thảo lần này tập trung vào tác động của mạng xã hội tới tâm lý và sức khỏe người dùng là một đề tài hết sức cần thiết góp phần giải đáp những câu hỏi mà cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam đang quan tâm. Nghiên cứu này sẽ là tiền đề gợi mở để các nhà nghiên cứu trong nước có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa, góp phần thúc đẩy các mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực, giúp người sử dụng mạng xã hội hiệu quả và lành mạnh hơn.”
Hội thảo công bố báo cáo "Tác động của Facebook tới tâm lý người dùng 2017" - mở đầu cho chuỗi báo cáo nghiên cứu hằng năm về tâm lý người dùng Mạng xã hội của VPIS. Báo cáo mong muốn chỉ ra thực trạng sử dụng, các biểu hiện cảm xúc, cảm nhận về giá trị bản thân và mức độ gắn bó của người dùng với Facebook.
TS. Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và là thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE) phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của VPIS, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho biết: “Báo cáo Tác động tâm lý của MXH với tâm lý người dùng 2017 là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp thực nghiệm 72 giờ không Facebook để đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với Facebook sau 3 ngày. Kết quả đáng chú ý là gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia. Những trạng thái cảm xúc thường thấy ở mức cao hơn trung bình quá trình diễn ra thực nghiệm là khách thể tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó.”
TS. Lê Minh Công (Phó trưởng khoa Khoa Tâm lý học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM)
TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM, một trong những diễn giả của Hội thảo đã đưa ra những tiếp cận khái niệm về nghiện Internet, trong đó có hai tiếp cận được xem xét rộng rãi, tiếp cận dựa trên nền tảng “rối loạn kiểm soát xung lực (Impulse control disorder) (Young,1996; Block,2008) và tiếp cận dựa trên rối loạn sử dụng chất (Goldberg (1996; Griffiths,1996,2007). Tiếp cận rối loạn kiểm soát xung lực cho rằng, nghiện Internet là sự thiếu khả năng kháng cự một hành động có tính bị cưỡng bức hay hành vi mà có thể gây hại cho bản thân hay người khác và là một nhóm các rối loạn về mất kiểm soát hành vi …”. Nghiên cứu của TS. Lê Minh Công và Nguyễn Văn Thọ năm 2015 đối với thanh thiếu niên nghiện Internet ở Đồng Nai có các dấu hiệu nổi bật: Mất kiểm soát, Sự dung nạp (ngày càng gia tăng), Nói dối gia đình, thầy cô về hành vi truy cập, Có các biểu hiện của hội chứng cai (lo lắng, buồn chán, mất hứng thú) và Ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, công việc, mối quan hệ xã hội.
PGS. TS. Bùi Thị Hồng Thái (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)
Tham gia tham luận tại hội thảo, PGS Bùi Thị Hồng Thái (Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ kết quả nghiên cứu “Mạng xã hội với thanh niên Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp (GS.Trần Hữu Luyến chủ nhiệm, thời gian thực hiện: 2012-2015) cho thấy, sinh viên thường sử dụng MXH với mục đích tương tác và giải trí trên mạng ở mức cao nhất, tiếp đó là mục đích thể hiện bản thân (bày tỏ cảm xúc, ý kiến, chia sẻ khó khăn tâm lý) và ở mức thấp nhất là việc sử dụng MXH nhằm kinh doanh và thử nghiệm cuộc sống. Sinh viên sử dụng MXH thường chịu áp lực về mặt thời gian (thời gian sử dụng MXH ngày càng tăng lên) và ảnh hưởng tới các hoạt động sống (học tập, giao tiếp với bạn bè, sức khỏe). Nhưng ảnh hưởng tới khả năng làm chủ bản thân đối với việc sử dụng MXH là không đáng kể.
Ths, Bs. Vũ Huy Hoàng, Hiệp hội Y học Nghiện Quốc tế (ISAM)
Với kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu và điều trị nghiện chất ở Việt Nam, Bs, Ths. Vũ Huy Hoàng, Hiệp hội Y học Nghiện Quốc tế (ISAM) đưa ra nhận định: “Chúng ta có thể thấy rằng hiện tại thế giới đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu, phân loại và đưa ra những tiêu chí chẩn đoán các rối loạn liên quan đến các ứng dụng trên internet. Hiện các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm nhớ, thời gian và tần xuất sử dụng ngày càng tăng, mong muốn nhưng không giảm hoặc ngừng sử dụng được, và thậm chí còn sử dụng bất chấp các hậu quả để mà thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nghiện. Với các thông tin đã có về nghiện hành vi và nghiện chất, chúng ta hiểu đây là các rối loạn có liên quan đến y sinh-tâm lý-xã hội. Bởi vậy, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất nếu có thể kể cả về mặt thực thể và hành vi, cũng như giải quyết sớm vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, một yếu tố luôn là rào cản lớn trong giải quyết vấn đề nghiện. Trước mắt có lẽ các mô hình can thiệp ở viện, trường, hoặc ở các nhóm VPIS sẽ cung cấp thêm thông tin sâu hơn về những biểu hiện, các vấn đề về tâm lý và thể chất liên quan đến sử dụng MXH, giúp chẩn đoán sớm và cung cấp những can thiệp phù hợp.”
Ngoài ra, hội thảo thu hút rất nhiều cơ quan lý luận, nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu tâm lý, đại diện của nhiều đại sứ quán, các tổ chức, các Hội, Hiệp hội liên quan đến Internet và các cơ quan thông tấn báo chí cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề tâm lý của người dùng mạng xã hội đồng thời mở ra những định hướng nghiên cứu mới về những tác động của mạng xã hội đến người dân nói riêng và đời sống xã hội nói chung.
Hội thảo thu hút đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông
Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến tháng 12 năm 2016, nghiên cứu thực nghiệm 72 giờ được cập nhật đến tháng 3 năm 2017. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ sẽ được dự kiến xuất bản tháng 1/2018, bản tiếng Anh dự kiến được xuất bản và phát hành rộng rãi trên quốc tế vào cuối tháng 2/2018. Mọi ý kiến trao đổi, góp ý về nội dung chuyên môn của báo cáo Tác động của Facebook tới tâm lý người dùng 2017 xin được gửi tới thư ký Chương trình Internet và Xã hội, tại địa chỉ email: [email protected] Để biết thêm thông tin về Báo cáo Tác động của Facebook tới tâm lý người dùng 2017 hoặc nội dụng hội thảo xin truy cập website của VPIS tại địa chỉ: |
Tác giả: Theo thông tin từ Ban tổ chức; Ảnh: Thu Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn