Thế giới trải qua một cơn chấn động mạnh đối với cuộc suy thoái từ năm 2008 đã suýt tạo ra một cuộc đại khủng hoảng thứ hai trên quy mô toàn cầu. Đợt suy thoái quy mô lớn này, bên cạnh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đã tạo ra những tranh luận nghiêm túc về kinh tế học hiện đại với những trận chiến giữa các luồng tư tưởng. Theo thời gian, cuộc khủng hoảng lần này, cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, sẽ qua đi nhưng cũng giống như các cuộc khủng hoảng khác, nó để lại hệ lụy nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nói riêng. Các quốc gia, khu vực và nền kinh tế đều phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ở những cấp độ khác nhau.
Đối với Việt Nam, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại, tăng trưởng GDF đang ở mức trên 8% năm, năm 2008 đạt 6,28% và đến năm 2009 chỉ đạt 5,32% thấp nhất trong 10 năm qua. Giá trị tăng thêm của nhiều ngành thấp hơn nhiều so với những năm trước, xuất khẩu và du lịch giảm mạnh. Nhiều cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Bội chi NSNN năm 2009 ở mức cao nhất trong hàng chục năm qua (6,9& GDP) và chính sách tiền tệ và tín dụng bị buông lỏng, khiến lạm phát tăng cao ở mức 20% vào cuối năm 2008.
Hội thảo “Sự điều chỉnh kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008: Những kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách” được tổ chức nhằm đánh giá lại những nguyên nhân, tác động và giải pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế 2008 của mỗi quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam. Hội thảo quy tụ 12 tham luận của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế xoay quanh nhiều chủ đề khác nhau về cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
PGS.TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Thanh Hà)
Sau phiên khai mạc, hội thảo được chia làm hai phiên với nội dung như sau:
Phiên 1: “Đánh giá Kinh tế toàn cầu” với các tham luận như: “Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của IMF sau khủng hoảng tài chính 2008: Những bài học từ các trường hợp phục hồi gần đây” của TS. Sanjay Kalra (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Washington DC); “Điều chỉnh chính sách FTA mới của EU và tác động tới Việt Nam” của PGS.TS Cù Chí Lợi (Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm KHXHV Việt Nam); “Tác động kinh tế và xã hội của chính sách Abenomics” của PGS.TS Hideyuki Miura (Khoa Nghiên cứu chính sách, Đại học Kyorin, Nhật Bản).
Phiên 2: “Hàm ý đối với nền kinh tế và những điều chỉnh của Việt Nam” với các tham luận như: “Kinh tế thế giới và Việt Nam sau điều chỉnh chính sách kinh tế vượt qua khủng hoảng” của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn (Bộ Ngoại giao Việt Nam); “Kinh nghiệm của Hàn Quốc và hàm ý chính sách trong khủng hoảng tài chính” của TS. Đoàn Duy Khương (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)); “Một số gợi ý đối với việc điều chỉnh kinh tế của Việt Nam” của TS. Sanjay Kalra (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Washington DC).
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn