Tham dự hội thảo, về phía ĐHQGHN có Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), TS. Nguyễn Thọ Đức (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, ĐHQGHN).
Về phía Hiệp hội Nghiên cứu Lý Thoái Khê có ông Lee Kwang-ho (Hội trưởng Hội Thoái khê học Quốc tế), bà Park Ke-Chin (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc), ông Ryu Hang-ha (Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam), ông Song Jea-so (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thoái Khê học).
Lý Hoảng (hiệu là Thoái Khê, 1501-1570), là một nhà văn hóa, giáo dục và tư tưởng lớn tại Hàn Quốc vào thế kỷ 16. Là nhà Nho lừng danh của triều đại Choson, Lý Thoái Khê là học giả nghiên cứu chuyên tâm, chuyên sâu về Chu tử học. Ông được xem là người đã tiếp nhận, sáng tạo và truyền tải thành công những giá trị cốt lõi, thâm sâu của Nho giáo mà đặc biệt là những triết luận sâu sắc trong các tác phẩm kinh điển của Nho giáo vào xã hội và nền học thuật Choson. Ngày nay, tuy chủ nghĩa vật chất và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống con người, nhưng những bài học của Thoái Khê vẫn giữ được chỗ đứng quan trọng của nó. Hội thảo Quốc tế lần thứ 27 về Nho giáo và Nghiên cứu Lý Thoái Khê được tổ chức nhằm chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận về cuộc đời, những đóng góp lớn của một danh nhân văn hóa với đất nước Hàn Quốc.
Ngoài ra, ở góc độ so sánh, Việt Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh của Nho giáo và chia sẻ nhiều giá trị chung của văn minh Đông Á. Trên phương diện văn hóa và giáo dục, ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, Nho giáo đã góp phần xây dựng một xã hội học tập và tới nay, nhiều di sản lớn của nền học thuật đó vẫn là tài sản quý báu trong kho tàng văn hóa của cả hai nước. Tuy nhiên, mỗi nước có cách thức chọn lọc, tiếp thu, vận dụng các giá trị tư tưởng, triết luận của Nho giáo về nhân sinh, xã hội riêng. Do vậy, Hội thảo lần này cũng có mục đích tìm hiểu những tương đồng, dị biệt trong tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa giữa hai nước trong liên hệ với tư tưởng Nho giáo.
Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, ông Lee Kwang-ho (Hội trưởng Hội Thoái khê học Quốc tế) giới thiệu, Viện Nghiên cứu Triết học Thoái khê Hàn Quốc thành lập năm 1970. Tới nay, Viện đã xuất bản 143 số tạp chí nghiên cứu “Thoái Khê Học Bộ”. Từ năm 1976, Viện đã tổ chức 26 lần hội thảo quốc tế về Triết học Thoái Khê ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nga, Nhật, Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hội thảo này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đây, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có các giao lưu giữa Trung tâm Nghiên cứu Nho giáo-Đại học Chungnam, Quỹ Văn hóa Học thuật Dasan với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Do đó, ông cho rằng hội thảo lần này là dịp để hai bên học hỏi lẫn nhau, là tiền đề giao lưu tích cực giữa tư tưởng Nho giáo Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Lee Kwang-ho phát biểu tại hội thảo
Thay mặt Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường) cho biết, quan hệ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội quốc tế ngày càng mở rộng và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Do đó, hội thảo lần này về Lý Thoái Khê là tín hiệu đáng mừng cho quan hệ hợp tác khoa học song phương giữa hai nước. Hội thảo là dịp để thúc đẩy sự hiểu biết về truyền thống học thuật, chiều sâu văn hóa của Việt Nam-Hàn Quốc. Đối với riêng Trường ĐHKHXH&NV, hội thảo này là tiền đề cho những giao lưu hợp tác học thuật trong tương lai giữa Nhà trường với các đơn vị nghiên cứu về Lý Thoái Khê của Hàn Quốc.
GS.TS Nguyễn Văn Kim phát biểu tại hội thảo
GS.TS Nguyễn Văn Kim nhận quà lưu niệm từ ông Lee Kwang-ho
Thay mặt chính phủ Hàn Quốc, ông Do Jong-Hwan (Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc) đã gửi diễn văn chúc mừng tới hội thảo. Ông đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo khi lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Ông hy vọng hội thảo sẽ góp phần vào phân tích giá trị Nho giáo và phổ biến triết học Thoái Khê rộng rãi hơn. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc sẽ cố gắng hết mình để chấn hưng sự nghiệp giáo dục nhân cách, văn hóa, tinh thần nhân văn.
Bộ trưởng Do Jong-Hwan phát biểu tại hội thảo
Thay mặt Viện Nghiên cứu Thoái Khê học, ông Song Jae So (Viện trưởng) cho rằng, từ xưa Việt Nam và Hàn Quốc đã có nét văn hóa tương đồng về chữ viết về chế độ. Trong quá khứ, giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã có sự giao lưu sôi nổi giữa trí thức hai nước trên đường đi sứ tới Trung Hoa như giữa Lê Quý Đôn và các sứ thần Joseon trong chuyến đi sứ dịp Đông chi năm 1970. Thời cận đại, khi Việt Nam và Hàn Quốc cùng trải qua giai đoạn thuộc địa của Pháp và Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản nước bạn đã tiếp xúc với nhau. Năm 1992, Hàn Quốc-Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao và trở thành đối tác kinh tế quan trọng. Ông hy vọng hội thảo lần này dịp để củng cố thêm tình hữu nghị song phương Việt-Hàn trên cơ sở đồng nhất văn hóa.
Ông Song Jae So phát biểu tại hội thảo
Tiếp đó, hội thảo đã nghe ba cáo cáo đề dẫn:
- Báo cáo “Nho giáo với Cách mạng công nghiệp 4.0” của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc ĐHQGHN) vạch ra một số điểm tích cực, bền vững của Nho giáo trong liên hệ với những thách thức, nguy cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, tác giả đề xuất khả năng phát huy các giá trị bền vững đó, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng này; gia tăng yếu tố nhân văn, tiếp tục phát triển con người, giá trị người trong thời đại mới.
- Báo cáo “Đánh giá từ góc độ hiện đại về tranh luận liên quan đến tứ đoan, thất tình: Nghiên cứu so sánh tâm lý học đạo đức của Lý Hoảng và Cơ Đại Thăng” của TS. Jee Loo Liu (Đại học Tiểu bang California, Fullerton) chắt lọc những vấn đề quan trọng trong hai quan điểm đối lập của Lý Hoảng (Lee Hwang) và Cơ Đại Thăng (Gi Dae-seung), hai nhân vật có ảnh hưởng lớn với lịch sử tư tưởng Nho giáo Hàn Quốc.
- Báo cáo “Suy ngẫm về tính phổ quát và đặc thù của Nho giáo” của ông Lee Kwang-ho (Hội trưởng Hội Thoái khê học Quốc tế) đã so sánh những nét chung của Nho giáo qua các tác phẩm kinh điển như Lục Kinh, Tứ Thư với những nét riêng trong từng bối cảnh, địa phương, nhất là tại những xã hội đã Tây hóa và có sự thâm nhập sâu sắc của khoa học, công nghệ phương Tây. Qua đó, báo cáo muốn tạo cái nhìn sâu sắc, chính xác hơn cho các nhà nghiên cứu Nho học.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo
Sau phần khai mạc, hội thảo được chia làm hai tiểu ban:
Tiểu ban A với các tham luận như “Thoái Khê Lý Hoảng – Nhà tâm linh sinh thái, nhà triết học thi nhân, “kính thiên ái nhân” của Kang Heui-bok (Đại học Yonsei, Hàn Quốc); “Nghiên cứu và kế thừa ‘gia lễ’ của Lý Hoảng” của Lee Bong-kyoo (Đại học Inha, Hàn Quốc); “Định hướng tận cùng của thuyết lý khí Thoái Khê” của Yang Zhucai (Đại học Nanchang, Trung Quốc); “Lý Thoái Khê và Đông học, ‘Thiên’ trong Thiên Đạo giáo” của Pyon Yong-ho (Đại học Tsuru, Nhật Bản).
Tiểu ban B với các tham luận như “Hai con đường “tự ngã khuếch đại” - Về quan điểm của Thánh nhân quân tử trong Nho giáo và quan điểm của người dân hiện đại” của Kim Hyoung-chan (Đại học Korea, Hàn Quốc); “Hình mẫu và khai hóa đạo đức con người trong Mạnh Tử Cáo Tử thượng” của Tim Connolly (Đại học East Stroudsburg, Hoa Kỳ); “Khảo sát về khái niệm Đạo thống của Thoái Khê” của Vladimir Glomb (Đại học Freie Berlin), “Đại học đồ của Lý Thoái Khê (Hàn Quốc) và Đại học đồ thuyết của Nhữ Bá Sĩ (Việt Nam” của Đinh Thanh Hiếu (ĐHKHXH&NV).
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn