Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

"Hạnh phúc con người là thước đo chính của một xã hội thành công”

Thứ sáu - 08/01/2016 07:19
Đó là một nhận xét trong bài thuyết trình với chủ đề “"Những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu văn hóa, xã hội, tôn giáo đương đại” của GS.Bryan Turner (Giáo sư Xã hội học và Giám đốc Ủy ban Tôn giáo tại Đại học Thành phố New York). Buổi thuyết trình diễn ra vào ngày 8/1/2015 và có sự tham dự của PGS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Xã hội học, Khoa Khoa học Quản lý, Khoa Nhân học.
"Hạnh phúc con người là thước đo chính của một xã hội thành công”

Những quan ngại trong nghiên cứu xã hội học hiện nay

GS Bryan Turner mở đầu bằng việc trình bày về thực trạng hiện nay trong nghiên cứu xã hội học. Theo ông, vai trò của xã hội học đang đi xuống và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại. Thời kỳ xã hội học của những tên tuổi nổi tiếng như Max Weber, Durkheim được cho là thời kỳ hoàng kim của xã hội học. Nhưng hiện nay thì xã hội học được cho là đang mất dần vai trò quan trọng. Tại sao lại vậy? Đó là vì từ những năm 1950 thì hệ thống xã hội học của Hoa Kỳ ngày càng chiếm ưu thế và hệ thống này nhấn mạnh vào các mô hình định lượng và sự phức tạp của các mô hình nghiên cứu. Tuy nhiên, các vấn đề càng phức tạp thì góc độ nghiên cứu lại càng hạn hẹp và không thể phản ánh được những vấn đề lớn. Đồng thời, giữa Hoa Kỳ và Châu Âu có một sự phân biệt về mô hình xã hội học. Ở Hoa Kỳ sự tài trợ cho các nghiên cứu xã hội học lớn hơn, nhưng chính vì vậy mà các nghiên cứu của họ thường nhấn quá nhiều vào những vấn đề có tính kỹ thuật và định lượng. Trong khi đó ở Châu Âu, tuy nguồn tài trợ ít hơn, những các nhà nghiên cứu thường nhấn vào những quan điểm định tính hơn là những khám phá về thống kê và số liệu.

Theo GS. Bryan Turner, xã hội học hiện nay chịu ảnh hưởng quá nhiều của tư tưởng tự do mới (neo-liberalism), nhấn quá nhiều vào trải nghiệm cá nhân, tính cá nhân cũng như các vấn đề hẹp như bản sắc, cá tính, chủ nghĩa tiêu dùng; trong khi không chú ý tới những vấn đề rộng rãi hơn.  Ví dụ, Trung tâm xã hội học của Đại học Thành phố New York hiện có khoảng 150 sinh viên sau đại học nghiên cứu về các vấn đề như bản sắc, tính dục, thuyết bình đẳng nam nữ, giới và trẻ em. Trong đó vấn đề giới được coi là quan trọng nhất. Nhưng theo GS Turner thì đây không hẳn là vấn đề duy nhất và chủ đạo trong xã hội học. Nhiều vấn đề từng là chủ đạo trong thời kỳ hoàng kim của xã hội học như giai cấp, bất bình đẳng, công lý, bóc lột, phi công nghiệp hóa lại gần như không được quan tâm thỏa đáng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, ông cho rằng nghiên cứu xã hội học hiện nay cũng nhấn quá nhiều vào nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các vấn đề văn hóa dưới góc độ truyền thông và chủ nghĩa hậu hiện đại. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi trong định hướng nghiên cứu xã hội học.

GS. Bryan Turner trình bày về các quan ngại trong nghiên cứu xã hội học hiện đại (Ảnh: Thu Hà)

Giải pháp cho những quan ngại của xã hội học hiện đại

Vậy đâu là giải pháp cho những vấn đề này? GS Bryan Turner cho rằng có rất nhiều giải pháp cho thực trạng nói trên. Bản thân ông đã thành lập 3 tạp chí chuyên ngành để giải quyết những vấn đề vừa kinh điển vừa đương đại trong xã hội học.

Thứ nhất là tạp chí Nghiên cứu Tư cách công dân. Theo GS Bryan Turner, tư cách công dân là vấn đề lớn, kinh điển của xã hội học, liên quan tới cả những vấn đề chính trị như nhà nước. Ví dụ, ở Việt Nam sẽ có những vấn đề về tư cách công dân như định nghĩa của tư cách công dân ở Việt Nam. Tư cách công dân phản ánh việc một cá nhân được hòa nhập vào một xã hội hay bị khu biệt và tách biệt khỏi xã hội ấy. Tư cách công dân cũng liên quan tới vấn đề bất bình đẳng và phân phối nguồn lực trong xã hội. Ví dụ, tư cách công dân sẽ giúp chống lại các thế lực của thị trường, thúc đẩy sự phân phối nguồn lực bình đẳng hơn.

Thứ hai là Tạp chí Xã hội học kinh điển. Tạp chí này nhận được nhiều bài viết về các nhà xã hội học lớn như Karl Marx, Weber, Durkheim. Các bài viết này đề cao những quan điểm, thuật ngữ, cách tiếp cận của các nhà xã hội học lớn ngày xưa mà vẫn còn giá trị cho tới nay. Tạp chí Xã hội học kinh điển muốn khơi dậy sự chú ý với những vấn đề, tác giả, khái niệm và tư tưởng kinh điển này trong xã hội học hiện đại.

Thứ ba là Tạp chí về Thực hành Tôn giáo và Chính trị. Tạp chí này không chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề như tín điều, tôn giáo nói chung, mà còn quan tâm tới cách thức con người thực hành tôn giáo. Tạp chí có hai mối quan tâm chính. Thứ nhất là việc thực hành tôn giáo trong bối cảnh đa dạng tôn giáo hiện nay, sự khác nhau giữa các thực hành tôn giáo trong Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, thần đạo, v.v…Thứ hai là mối liên quan giữa tôn giáo và chính trị, chẳng hạn như vấn đề quan hệ giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’a ở Trung Đông, quan hệ giữa Phật giáo và Hồi giáo ở Myanmar, xung đột tôn giáo ở Thái Lan, cũng như ảnh hưởng của Hồi giáo ở Châu Âu.

Quang cảnh buổi gặp gỡ (Ảnh: Thu Hà)

Những dự định nghiên cứu xã hội học

Ngoài ba tạp chí nói trên, GS Turner sắp khởi động một đề án nghiên cứu có tên “Thế tục hóa, tính đương đại và sự đa nguyên về xã hội của tôn giáo”. Dự án này có những mối quan tâm chính sau:

Thứ nhất là tính đa nguyên về pháp lý. Cụ thể, dự án sẽ tập trung vào vấn đề Luật Hồi giáo hay còn gọi là Luật Sharia.

Thứ hai là sự đa dạng về xã hội. Các vấn đề chính trong mối quan tâm này là gia đình, tình dục, hôn nhân đồng tính…Việc nghiên cứu những vấn đề này sẽ làm rõ tính đa dạng trong gia đình và đời sống hôn nhân hiện nay.

Thứ ba là cuộc khủng hoảng mà xã hội tôn giáo đang phải đối mặt. Có rất nhiều vấn đề tôn giáo đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay như sự xuất hiện của người đồng tính trong các môi trường công cộng, hay những tranh luận giữa các cộng đồng Tin lành và Chính thống giáo ở nhiều quốc gia hiện nay.

Qua những mối quan tâm nói trên, dự án này sẽ trả lời hai câu hỏi chính là: Điều gì tạo nên sự cố kết và thành công của một xã hội? Điều gì làm nên hạnh phúc của con người, và quan hệ giữa mệnh hệ của một xã hội với hạnh phúc con người là gì?

Theo GS Turner, có nhiều tiêu chí thường dùng để đánh giá sự thành công một xã hội như sức khỏe người dân, của cải và sự hạnh phúc. Tuy nhiên, còn có nhiều tiêu chí quan trọng khác chưa được chú ý tới tuy chúng cũng góp phần lớn vào sự thành công của một xã hội. Chẳng hạn, trong nhiều xã hội, tư cách công dân được quy định ngặt nghèo tới mức có nhiều thành phần trong xã hội bị gạt ra ngoài lề như người thiểu số, người di cư, người tị nạn.

Tóm lại, vấn đề mấu chốt của xã hội học hiện đại liên quan tới hạnh phúc của con người. Hạnh phúc con người cũng là thước đo chính của một xã hội thành công. Theo ông, con người hạnh phúc khi họ có cơ hội phát triển và lớn mạnh. Nhưng con người không thể làm được điều đó nếu xã hội không tốt đẹp.

Thông qua dự án này, ông sẽ xây dựng một nghị trình nghiên cứu mới cho xã hội học hiện đại. Nghị trình này sẽ tập trung nghiên cứu những vấn đề của xã hội hiện đại nhưng trên cơ sở vận dụng các quan điểm và khái niệm mang tính kinh điển trong xã hội học. Theo dự định ban đầu, dự án sẽ tập trung nghiên cứu các xã hội, tuy nhiên GS Bryan Turner đã chuyển đối tượng nghiên cứu sang các thành phố.

Nhân cơ hội này, GS Turner cũng đề xuất với PGS. TS Phạm Quang Minh về việc triển khai một dự án nghiên cứu có tính chất toàn cầu. Dự án này sẽ áp dụng các tiêu chí đánh giá thành công của thành phố để trả lời những câu hỏi như: liệu Hà Nội, Melbourne hay New York có phải là những đô thị thành công không trong tương quan với các thành phố khác trên thế giới? Qua dự án này, các học giả và nhà nghiên cứu xã hội học sẽ có cơ hội trao đổi quan điểm và kinh nghiệm với nhau. PGS. TS Phạm Quang Minh đã đón nhận đề xuất này và cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng và thú vị với nghiên cứu xã hội học. 

PGS. TS Phạm Quang Minh tặng GS. Bryan Turner một ấn bản của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn của Trường ĐHKHXH&NV (Ảnh: Thu Hà)

Sau phần thuyết trình, các cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường đã đặt nhiều câu hỏi cho GS Bryan Turner liên quan tới những vấn đề như quan niệm về hạnh phúc; quan điểm và chính sách của Tổng thống Obama về việc mua bán súng và phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ; vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại; vấn đề tư cách công dân trong nghiên cứu xã hội học; cũng như nền kinh tế thị trường và hạnh phúc của cá nhân.

Tác giả: Trần Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây