1. Những hoạt động liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn đã được thực hiện bởi Công đoàn Khoa Khoa học Quản lý
Từ thực tiễn công đoàn trong những năm gần đây, công đoàn Khoa Khoa học Quản lý xin chia sẻ một số hoạt động liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn đã được triển khai bởi công đoàn Khoa Khoa học Quản lý:
1.1 Liên kết nội bộ
Phối hợp cùng Chi đoàn cán bộ bồi dưỡng, giới thiệu Đảng viên ưu tú
Phối hợp cùng Chi đoàn cán bộ tổ chức các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các hoạt động chuyên môn dành cho công đoàn viên trẻ
- Động viên và tổ chức các hoạt động tạo điều kiện cho các công đoàn viên hoàn thành luận văn, luận án đúng hạn: tổ chức góp ý cho công đoàn viên thuyết trình các nội dung trong luận văn, luận án,…
- Chăm lo, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ phát triển trong hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tính tới nay, Công đoàn và Chi đoàn cán bộ của Khoa đã cho ra được 1 tập san nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, 100% giảng viên trẻ đều đảm nhiệm độc lập được 2 môn học, có ít nhất 01 bài báo/hội thảo chuyên ngành hàng năm.
- Chăm lo, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ tăng gia thu nhập thông qua các hoạt động chuyên môn: dịch tài liệu,…
- Kết hợp tổ chức các seminar chuyên môn: “Công ước luật biển 1982 và kết quả phân giới cắm mốc” do PGS.TS Phạm Xuân Hằng báo cáo (10.2013); Trao đổi kinh nghiệm làm nghiên cứu sinh đối với các đồng chí công đoàn viên chuẩn bị thi tiến sĩ (12.2013); Kinh nghiệm công bố quốc tế (11.2015),…
Phối hợp cùng Liên chi đoàn tổ chức các hoạt động đoàn thể và phong trào
- Kết hợp cùng Chi đoàn cán bộ tổ chức các buổi thực tế, dã ngoại nhân dịp đầu xuân và các hoạt động kỷ niệm ngày 8/3, 20/10, 20/11…
- Kết hợp cùng Chi đoàn cán bộ triển khai các hoạt động đoàn thể và phong trào do Công đoàn trường phát động: tiếng hát công đoàn, dã ngoại,…
- Kết hợp cùng đoàn thanh niên thăm hỏi, động viên sinh viên tình nguyện tại các địa phương, thăm hỏi, động viên sinh viên nội trú tại Ký túc xã Mễ Trì nhân Tết dương lịch, tổ chức cuộc thi Làm bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền,...
Ngoài ra, BCH Công đoàn luôn chủ động phối hợp cùng Ban chủ nhiệm Khoa và các bộ phận khác trong Khoa nhằm đảm bảo lợi ích của các công đoàn viên: Phối hợp với Tổ Thanh tra tiến hành thanh tra tài chính định kỳ, Phối hợp cùng văn phòng trong việc thăm hỏi, chia sẻ cùng các công đoàn viên,...
1.2 Liên kết ngoại vi
Phối hợp cùng các công đoàn bộ phận tổ chức các hoạt động chuyên môn
- Phối hợp cùng Công đoàn Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng và Khoa Khoa học Chính trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” do GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội báo cáo (tháng 12.2012).
- Phối hợp cùng Công đoàn Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng và Khoa Khoa học Chính trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề: "Tâm lý và trách nhiệm của người phụ nữ đối với việc chăm sóc và bảo vệ hạnh phúc gia đình" do TS Phạm Mạnh Hà báo cáo, tháng 3.2013
- Phối hợp với Liên Chi đoàn Khoa Khoa học Quản lý và Khoa Triết học tổ chức sinh hoạt với chủ đề “Hồi ức Chiến tranh” (năm 2015) với chủ đề “Từ chiến trường đến giảng đường” (năm 2016) với khách mời là 8 cựu chiến binh của Khoa Khoa học Quản lý và Khoa Triết học
- Phối hợp cùng Công đoàn Khoa Khoa Thông tin - Thư viện tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Số hóa và lưu trữ văn bản”, báo cáo viên Ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm VIAMIN, tháng 5/2015.
2. Đánh giá về hiệu quả của hoạt động liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn
Thông qua thực tiễn triển khai các hoạt động liên kết, phối hợp, công đoàn Khoa Khoa học Quản lý nhận thấy những hiệu quả từ hoạt động này như sau:
- Tận dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Việc liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn giúp tận dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cả về nhân lực, tài lực, vật lực và trí lực của tổ chức. Xét trong bối cảnh eo hẹp về các nguồn lực hiện nay thì hợp tác triệt để cả bên trong lẫn bên ngoài càng đặc biệt phát huy tác dụng trong hoạt động công đoàn.
- Phát huy sức mạnh đoàn kết: Khi liên kết và phối hợp trong hoạt động, các thành viên trong tổ chức có cơ hội được chia sẻ, tương hỗ lẫn nhau, từ đó gắn kết con người và gắn kết các bộ phận trong cùng tổ chức. Công đoàn không phải là một bộ phận tách rời các bộ phận khác trong tổ chức như đoàn thanh niên, văn phòng,…mà thực sự phối hợp với nhau vì lợi ích chung của tập thể.
- Lan tỏa các giá trị: Rõ ràng rằng việc liên kết và phối hợp trong hoạt động có khả năng lan tỏa các giá trị tốt hơn việc độc lập tổ chức các hoạt động của công đoàn. Đơn cử như sinh hoạt với chủ đề “Từ chiến trường đến giảng đường” do Khoa Khoa học Quản lý và Khoa Triết học phối hợp tổ chức đã tạo nên một hiệu ứng rất tốt đối với thế hệ đương thời trong nhận thức và tri ân thế hệ cha ông của mình.
- Tạo cơ hội giao lưu và học hỏi giữa các công đoàn bộ phận: Vì nhiều lý do nên không dễ dàng để hơn 500 công đoàn viên trong trường có nhiều cơ hội chia sẻ về chuyên môn và các vấn đề khác. Việc kết hợp giữa các công đoàn bộ phận tạo cơ hội giao lưu, học hỏi rất tốt đã được minh chứng thông qua các hoạt động kết hợp của công đoàn Khoa Khoa học Quản lý với các công đoàn Khoa Triết học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Thông tin - Thư viện,…
3. Một số bài học rút ra từ kinh nghiệm liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn
Việc liên kết, phối hợp trong hoạt động công đoàn rõ ràng tạo được nhiều hiệu quả như đã trình bày, tuy nhiên, cũng không hề đơn giản trong việc có thể sắp xếp được các hoạt động chung trong thực tiễn như vậy, đặc biệt là với các hoạt động liên kết, phối hợp giữa các công đoàn bộ phận.
Sau đây là một số bài học kinh nghiệm chúng tôi muốn chia sẻ để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn thông qua việc liên kết, phối hợp:
- Liên kết và phối hợp cần được xác định là một phương thức thường xuyên trong các hoạt động của công đoàn. Hiện nay, số lượng các công đoàn bộ phận mà công đoàn Khoa Khoa học Quản lý có hoạt động liên kết, phối hợp mới chỉ dừng lại trong phạm vi hẹp, chưa đa dạng về hình thức liên kết, phối hợp. Các liên kết, phối hợp hiện nay chủ yếu là các hoạt động chuyên môn, mang tính thời vụ, chưa tạo thành mạng lưới và kết nối thường xuyên.
- Cần sự chủ động trong liên kết, phối hợp giữa các công đoàn bộ phận. Để thực hiện được điều này, các kế hoạch phối hợp tổ chức cần được đặt ra từ đầu kỳ và nêu rõ nội dung liên kết, phối hợp.
- Linh hoạt trong tổ chức hoạt động (hình thức, thời gian, địa điểm,…): Việc tổ chức sinh hoạt công đoàn nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn vì các công đoàn viên đều đảm trách nhiều nhiệm vụ, thời gian eo hẹp. Mặt khác, số lượng công đoàn viên là nữ chiếm đa số cũng sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức các hoạt động công đoàn. Điều này cần thiết được tính tới trong các hoạt động liên kết, phối hợp để tạo ra hiệu quả của hoạt động.
Tổ chức các hoạt động dựa trên nhu cầu của công đoàn viên: Suy cho cùng tất cả các hoạt động của công đoàn, kể cả liên kết hay phối hợp tổ chức đều hướng tới lợi ích của các công đoàn viên, vì lợi ích chung của tập thể, do đó, các hoạt động cần được xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của các công đoàn viên. Khi đó, các hoạt động công đoàn mới thực sự thu hút được sự quan tâm, tham gia của các công đoàn viên.