GS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường đang chủ trì phiên họp
Hội đồng khoa học đào tạo Nhà trường có 37 thành viên, bao gồm Ban giám hiệu, các Trưởng khoa, Viện trưởng, Giám đốc một số trung tâm và 17 thành viên mời là các giáo sư đã từng công tác, hợp tác với hoạt động khoa học và đào tạo của Nhà trường. GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách là Chủ tịch Hội đồng. Theo truyền thống hội đồng khoa học nhà trường họp 2 lần/năm, nhằm tư vấn, góp ý những chiến lược phát triển cho lãnh đạo Nhà trường.
Tham dự phiên làm việc còn có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN; GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐHQGHN, TS. Nghiêm Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN.
PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc phiên họp
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường đã gợi mở ra nhiều vấn đề thách thức mà Trường ĐHKHXH&NV sẽ phải đối diện trog thời gian tới. Để giữ vững vị trí số một cả nước về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, đội ngũ cán bộ Nhà trường cần có những bước đi đột phá, dựa trên yếu tố khai phóng làm nền tảng, thúc đẩy động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.
Những thành viên hội đồng khoa học đào tạo là những tri thức tinh hoa nhất của Nhà trường, PGS.TS Phạm Quang Minh mong muốn các thầy cô sẽ thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến tư vấn, gợi mở cho Nhà trường trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã Trình bày báo cáo kế hoạch Khoa học và công nghệ của Nhà trường trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hướng nghiên cứu trọng tâm Nhà trường xác định trong giai đoạn tới là nghiên cứu, xác lập các vấn đề lý thuyết, học thuyết, quan điểm, phương pháp nghiên cứu thúc đẩy sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn phù hợp với xã hội Việt Nam. Nghiên cứu, làm sáng tỏ con đường, mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam; vị thế và cách thức ứng đối chính trị, văn hóa của dân tộc ta trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Nghiên cứu các đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, đạo đức, lối sống người Việt Nam, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái tác động đến sự biến đổi xã hội, các giai cấp, tầng lớp xã hội, nhóm lợi ích, hệ giá trị Việt Nam, tạo cơ sở cho chính sách phát triển kinh tế đất nước, phát triển vùng miền; trong đó ưu tiên đối với vùng dân tộc thiểu số.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đang trình bày báo cáo kế hoạch KH&CN Trường giai đoạn 2016-2020
Nghiên cứu đô thị hóa và quản lý đô thị, quản lý nông thôn trong quá trình đô thị hóa. Nghiên cứu các vấn đề cơ bản xây dựng tư liệu chuẩn quốc gia về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt chú trọng vấn đề chủ quyền biển đảo và tiềm năng, vị thế môi trường văn hóa, kinh tế biển.
Nghiên cứu so sánh và tổng kết kinh nghiệm ứng xử quốc tế của Việt Nam trong lịch sử, trong đó ưu tiên nghiên cứu, tổng kết quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Về công tác đào tạo, giai đoạn 2011-2015, công tác phát triển chương trình đào tạo có bước phát triển quan trọng; đào tạo theo hình thức tín chỉ tiếp tục được triển khai và đi vào ổn định; học liệu phục vụ đào tạo được quan tâm và củng cố.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, công tác tổ chức và quản lý đào tạo Nhà trường vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác tuyển sinh không đạt chỉ tiêu cho phép; chất lượng đào tạo không ổn định qua các năm.
Toàn cảnh phiên họp
Sau khi phân tích các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế còn tồn tại, báo cáo đã đề ra nhóm giải pháp nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới: đổi mới công tác tổ chức, quản lý đào tạo giai đoạn 2016-2020. Công tác tuyển sinh cần trở thành công việc thường xuyên và theo hướng nghiệp. Theo đó phòng đào tạo cần lập một bộ phận chuyên trách tuyển sinh từ bậc đại học đến sau đại học.
Việc xây dựng lịch trình giảng dạy của phòng đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ với các khoa. Điều chỉnh một phần quy trình tổ chức đào tạo và đánh giá theo hướng tăng cường chủ đọng của các khoa và vai trò chuyên môn của giảng viên. Giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Hoạt động đào tạo kỹ năng bổ trợ cho sinh viên sẽ được thực hiện theo tinh thần hiệu quả, tiết kiệm cho sinh viên. Điều chỉnh một số công đoạn trong công tác đào tạo sau đai học theo hướng rút gọn quy trình thực hiện và giảm tải thủ tục hành chính cho học viên...
Góp ý cho định hướng phát triển của Nhà trường, PGS.TS Phạm Quang Long đưa ra quan điểm: những định hướng của Nhà trường còn chung chung, chưa sát với hoạt động thực tiễn. Thêm vào đó, Nhà trường cần sớm thành lập quỹ dành cho nghiên cứu khoa học, đây là tiền đề thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của Nhà trường phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Về vấn đề đào tạo, PGS.TS Phạm Quang Long nhấn mạnh về vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhà trường cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức, đào tạo để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên trong tương lai.
Để tăng cơ hội này, một trong những nền tảng quyết định đó là chất lượng đào tạo, đó là quan điểm của GS.NGND Phan Huy Lê. Theo thầy, đào tạo suy cho cùng, muốn tồn tại và phát triển thì mọi hoạt động đều phải nhằm đến một mục đích cuối cùng là chất lượng.
GS.NGND Phan Huy Lê đang đưa kiến nghị cho lãnh đạo Nhà trường
Để nâng cao chất lượng, GS.NGND Phan Huy Lê cho rằng Nhà trường cần đầu tư cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Theo thầy, có một thực trạng hiện nay là đội ngũ cán bộ Nhà trường đông, học hàm học vị cao, nhưng chuyên gia trong từng lĩnh vực hẹp lại không có. Nhà trường cần có những định hướng làm sao để đội ngũ cán bộ Nhà trường vừa rộng về độ phổ cập vấn đề nhưng lại phải vừa sâu về từng lĩnh vực nghiên cứu.
Bàn về bài toán cán bộ trẻ, GS.NGND Phan Huy Lê kiến nghị Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến giới trẻ. Xã hội ngày này có nhiều nguồn đào tạo đội ngũ trẻ, nhưng Nhà trường phải làm sao để lớp trẻ đi vào trường, ở lại trường phải là những người tinh hoa nhất. Khắc phục bài toán cán bộ trẻ được đào tạo rất bài bản, nhưng lại không về trường, hoặc về trường một thời gian rồi lại chuyển ra ngoài, gây lãng phí.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, GS.NGND Phan Huy Lê cho rằng, chỉ có nghiên cứu mới có thể đóng góp cho xã hội, chỉ có nghiên cứu mới có thể đào tạo ra những đội ngũ cán bộ tài năng, nghĩa là phải nghiên cứu tốt thì giảng dạy mới có thể tốt. GS.NGND Phan Huy Lê kiến nghị Nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Nhà trường.
Toàn thể Hội đồng Khoa học và Đào tạo Nhà trường và lãnh đạo ĐHQGHN chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại phiên họp, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những thành tích mà Trường ĐHKHXH&NV đạt được trong thời gian qua.
Phó Giám đốc Thường trực Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, trong tiến trình xây dựng, Trường ĐHKHXH&NV cần thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống ngành/chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm tăng sức cạnh tranh trong toàn hệ thống. Nhà trường cần quan tâm, đầu tư các nguồn lực phục vụ giảng dạy KHXH&NV.
Về đào tạo, Nhà trường cần đổi mới phương thức quản lý đào tạo đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp, hướng tới tính hiện đại, chính quy; đồng thời tăng cường phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao và đề xuất giải pháp cho vấn đề đào tạo ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Về nghiên cứu khoa học, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN đề nghị, cán bộ, giảng viên Trường ĐHKHXH&NV cần gia tăng các chương trình nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu lớn nhằm gia tăng công bố quốc tế, cùng với đó cần xúc tiến các đề tài, dự án hợp tác với các địa phương.
Cũng trong khuôn khổ làm việc, các thành viên của Hội đồng Khoa học Đào tạo Nhà trường đã bỏ phiếu tán thành tuyệt đối thông qua có chỉnh sửa với Báo cáo Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo; Báo cáo Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Công tác Xã hội; Báo cáo Đề án thành lập Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường và Báo cáo Đề án thành lập Bộ môn Chính sách công trực thuộc khoa Khoa học Quản lý.
Một số hình ảnh góp ý của các thành viên trong hội đồng tại phiên họp:
Tác giả: Hoài An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn