- Văn bản
Theo quy định mới của ĐHQGHN, hệ thống bài giảng điện tử được theo quy chuẩn để sử dụng cho hệ thống quản lý học tập chính quy (Learning Management System - LMS) hoặc cung cấp cho hệ thống học liệu mở (Massive Open Online Courses – MOOC) sinh viên tự học, tự bổ khuyết nhóm kiến thức ngành gần. Căn cứ vào quy định này, cán bộ giảng viên ĐHQGHN thiết kế và hoàn thiện hệ thống các bài giảng ở các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, cung cấp hệ thống học liệu số hiện đại cho thư viện số của ĐHQGHN thời gian tới.
Theo đó, trong công tác đào tạo trực tuyến và chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng bài giảng điện tử là một trong chuỗi hoạt động đổi mới giảng dạy ở ĐHQGHN. Việc triển khai quy định này cho phép các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN sớm tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống nhằm hình thành không gian học thuật đa dạng, phong phí thông với sự góp phần của hệ thống học liệu điện tử đa phương tiện (bài giảng, lời thuyết minh, âm thanh, hình ảnh, video, audio, đồ họa,…); phương pháp học tập thông qua thiết bị di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, màn hình tương tác… Nhờ đó, người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi để hoàn thành một phần chương trình theo phương thức đào tạo tín chỉ. Đồng thời, các đơn vị đào tạo với hệ thống quản lý học tập có thể khai thác tối đa hình thức đào tạo kết hợp (blended learning).
Ngoài ra, quy định mới này của ĐHQGHN cũng mở ra hướng giảng dạy mới qua việc xây dựng các bài giảng, thí nghiệm ảo hoặc mô phỏng trên máy tính. Các phương pháp kiểm tra đánh giá người học dựa trên lý thuyết khảo thí đo lường hiện đại từng bước triển khai áp dụng trên các công cụ trực tuyến và nền tảng công nghệ thông tin nhờ triển khai các học phần/khóa học điện tử.
Đây là văn bản quan trọng trong việc cụ thế hóa nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Đảng bộ lần thứ VI của ĐHQGHN về chuyển đổi số và áp dụng công nghệ giáo dục tiên tiến.
Việc ứng dụng và triển khai đào tạo trực tuyến thông qua hệ thống các bài giảng điện tử hướng tới mở rộng phạm vi đối tượng sinh viên ngoài ĐHQGHN, sinh viên quốc tế đến trao đổi học tập, học tập theo nhu cầu và học tập suốt đời. Đây cũng là xu thế tất yếu của giáo dục 4.0 thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học; phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu, đào tạo cá thể hóa.
Tác giả: VNU Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn