PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN
Bao quát, an toàn và phân hóa cao
- Phương thức thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của xã hội. Dường như, ĐHQG Hà Nội đã góp phần hiện thực hóa ý tưởng kiểm tra đánh giá bên ngoài thành hoạt động kiểm tra đánh giá thực tế, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Đúng vậy. ĐHQG Hà Nội coi đổi mới, trong đó có đổi mới thi cử, là một sứ mệnh, tiên phong cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam người ta biết thế nào là đánh giá năng lực, phục vụ công tác tuyển sinh. Phương thức này được xây dựng trên nền tảng kiểm tra, đánh giá tiên tiến của thế giới, có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của kỳ thi trước đây khi đạt đến độ bao quát, chuyên nghiệp, an toàn và công bằng. Khóa tuyển sinh năm 2015 theo phương thức đánh giá năng lực đã tổ chức đào tạo được học kỳ đầu tiên. Nhiều cán bộ giảng viên đánh giá tích cực về một thế hệ sinh viên năng động và khá toàn diện.
- Năm 2015, kỳ thi đánh giá năng lực chỉ để tuyển sinh vào các trường thành viên ĐHQG Hà Nội, nhưng năm nay đã có 6 trường ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi…
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Năm nay kỳ thi đã bước đầu có sự chia sẻ. 6 trường bên ngoài hệ thống ĐHQG Hà Nội tham gia sử dụng kết quả này, gồm các trường: ĐH Thủ đô, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Tài nguyên và Môi trường, và ĐH Hòa Bình. Đây là chia sẻ bước đầu nhưng cho thấy các trường khác đã hăng hái, quan tâm đến phương thức tuyển sinh của chúng tôi. Nếu như từ năm 2017 trở đi có nhiều trường hơn tham gia sử dụng kết quả cũng như cùng nhau tổ chức kỳ thi, thì chúng tôi cũng sẵn sàng.
- Với những trường trong nhóm đầu cần độ phân hóa thí sinh cao, kỳ thi đánh giá năng lực có đáp ứng được không?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Chúng tôi cho rằng những trường tuyển sinh ở mức điểm cao càng cần phương thức đánh giá như thế này. Bởi với bài thi chung, số câu phân loại thí sinh không nhiều. Trong khi đó, bộ đề 140 câu của chúng tôi có khả năng phân loại thí sinh rất tốt. Bộ đề được sàng lọc bảo đảm cân bằng độ khó giữa các kỳ thi, đồng thời bổ sung những câu hỏi mới với tỷ lệ hợp lý, tăng cường những câu hỏi theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế.
Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo công tác thi đánh giá năng lực/Ảnh: Quốc Toản
Đánh giá, tuyển sinh thường xuyên
- Về mặt quan điểm thì vậy, nhưng các điều kiện để có thể chia sẻ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội thì sao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Một trong những điều kiện để chia sẻ kết quả là bộ đề thi. So với năm 2015, bộ đề của chúng tôi năm nay đã tăng gấp 2 lần. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng, hoàn thiện bộ đề để có dung lượng đủ lớn cho số lượng thí sinh. Đề thi chuẩn hóa đã qua thử nghiệm, sàng lọc, cân bằng độ khó. Về phần mềm và tổ chức đăng ký trực tuyến, quy trình, hoàn toàn có thể đáp ứng cho số lượng thí sinh rất đông. Như vậy, về mặt quan điểm, chúng tôi sẵn sàng; về điều kiện, quan trọng nhất là bộ đề và các điều kiện khác, chúng tôi cũng có thể đáp ứng. Câu chuyện còn lại là, nếu mở rộng phương thức thi này cho số lượng thí sinh rất lớn thì các trường phải hợp sức. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa trong chuẩn bị cơ sở vật chất (đường truyền, thiết bị...) một cách bài bản, chính quy, sử dụng ổn định trong nhiều năm.
- Về lâu dài, nếu sử dụng cách thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội thì phương thức tuyển sinh của các trường ĐH có phải thay đổi không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Phương thức tuyển sinh của các trường ĐH cần có sự điều chỉnh. Các trường ĐH nên chuyển sang hình thức tuyển sinh 2 mùa trong năm, mùa xuân và mùa thu, thay cho một kỳ tuyển sinh. Đánh giá thường xuyên, tuyển sinh cũng thường xuyên sẽ giảm bớt căng thẳng cho thí sinh, gia đình và xã hội. Về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo, có thể điều phối trong hệ thống, có chính sách chung, làm căn cứ cho các trường tổ chức tuyển sinh theo phương thức mới.
- Thi cử chỉ là kết quả của một quá trình. Khi cách dạy và học vẫn như cũ thì việc đổi mới phương thức thi cử chỉ giải quyết phần ngọn. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Giữa học và thi cần có sự tương thích nhất định. Từ trước đến nay, rõ ràng thi thế nào người ta sẽ học thế ấy. Khi thi cũng cần biết học thế nào để tính toán có cách thi phù hợp. Đấy là hai chiều. Nhưng chúng ta không thể đợi toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông thay đổi thì mới thay đổi hình thức thi. Mà phải đưa hình thức thi mới ra như một cú hích, tác động làm cho việc dạy và học ở bậc phổ thông thay đổi theo. Người làm đề cũng cần tính lộ trình, từng bước phù hợp với thay đổi ở bậc giáo dục phổ thông, chứ không quá căng thẳng, gây sốc cho thí sinh.
- Xin cảm ơn ông!
Sau kỳ thi năm 2015, ĐHQG Hà Nội tổ chức khảo sát lấy ý kiến thí sinh, kết quả trên 93,6% cho rằng “hình thức thi tiện lợi”, 98,2% khẳng định “tính hiện đại của kỳ thi”. Đa số thí sinh được hỏi khẳng định bài thi đánh giá năng lực cho kết quả “đánh giá khách quan” (81,3%), “đánh giá toàn diện” (75%) và “đánh giá chính xác năng lực của họ” (74,4%). Thi đánh giá năng lực cũng hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử hay việc học lệch, học tủ. Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội được chia thành 2 đợt: đợt 1 diễn ra từ 5-8/5 và 13-15/5; đợt 2 từ 5-15/8. Điểm mới là những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ làm thêm bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy tính cho 1 trong 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. |
Theo daibieunhandan.vn
Tác giả: Ng.Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn