Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

"Tầm xuân nhớ nắng" - hoa hay phận người

Thứ ba - 08/07/2014 20:30
Tập thơ mới của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hà Minh Đức có cái tên khá thi vị: Tầm xuân nhớ nắng(*). Và không chỉ là cái tên, trong tập còn có mấy bức tranh vừa đẹp, vừa gợi cảm về các loài hoa: Tầm xuân trong nắng ban mai, Hoa dây leo, Hoa trong chiều mưa, Sẽ tàn một sắc hoa. Nhiều bài thơ nói đến phận hoa, sắc hoa, đời hoa ngắn ngủi… Có thể thấy, bên cạnh những gương mặt tiêu biểu của giới nữ như Hồ Xuân Hương, Bùi Thị Xuân, Bà Chúa Kho, Thị Mầu, Thị Hến, Thị Nở, Thuý Kiều; Hoa là một ẩn dụ nghệ thuật chuyển tải cảm hứng chủ đạo và là tín hiệu thẩm mỹ của tập thơ.
"Tầm xuân nhớ nắng" - hoa hay phận người

Thơ Hà Minh Đức thiên về ý tưởng, đó là cách thức để nhà thơ đẩy cảm xúc đi vào chiều sâu, tạo ấn tượng và độ ám ảnh. Đọc thơ ông, nhiều khi chúng ta phải bỏ qua nhịp điệu của hình thức ngôn từ để lắng nghe những giai điệu bên trong tâm hồn, tình cảm. Nói cách khác, thơ Hà Minh Đức có sự chắt lọc của những rung động trực tiếp và mạch chìm suy tưởng. Nhờ đó, vẻ đẹp trí tuệ và sức khái quát của bài thơ được hiển thị, nâng cao. Sở hữu một tư duy thơ giàu nội lực, kết hợp với những trải nghiệm sâu sắc về đời sống, tác giả mới có thể vừa phát hiện được dấu hiệu độc đáo, rất riêng của một loài hoa lấy “chơi vơi” làm điểm tựa, vừa khắc hoạ nên chân dung một con người đã tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình giữa cõi thế mênh mang:

Có một dây hoa trên lưng chừng cao

Men theo tường vươn về phía trước

Nhành lá xanh như ngơ ngác

Đi về đâu?

 

Trời cao ở trên đầu

Mặc cho gió đung đưa

Chơi vơi là điểm tựa

Từng ngày chắt chiu bông hoa nhỏ

Mang niềm vui cho người

(Hoa dây leo)

Không phải ngẫu nhiên mà lúc đầu tác giả định đặt tên tác phẩm là “Những bông hoa trong chiều mưa”, hoặc: “Hoa trong chiều mưa”, về sau đổi lại thành Tầm xuân nhớ nắng – một cái tên có sức gợi và “lung linh” hơn… Nhưng dù mang tên nào thì dường như Hoa vẫn là nhân vật chính, được tác giả trao “quyền phát ngôn”…

Hoa trong thơ Hà Minh Đức được cảm nhận tinh tế đủ cả sắc và hương. Tuỳ theo diễn biến nội tâm, tác giả sẽ chọn không gian tồn tại của hoa là nắng hay mưa và thời gian là sáng hay chiều, ngày hay đêm. Thủ pháp tương phản, đối lập được khai thác để tạo hiệu ứng thẩm mỹ:

Không còn nắng

Cho màu hoa rực sáng

Không còn gió

Cho hương hoa toả bay

Những cánh hoa long lanh sương sớm

Và tay ai

Nâng niu

Nhưng cơn mưa chợt đến

Nắng tắt dần trời vần vụ mưa bay

Sao em còn đứng đây

Tiếc thương từng cánh hoa rơi

Những bông hoa phút chốc tả tơi

(Hoa trong chiều mưa)

Một ngày từ bình minh tới hoàng hôn là thời gian để hoa khoe sắc, toả hương. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc khép lại một đời hoa. Nhưng có thể ngày chưa tàn mà hoa đã lụi. Từ những mô tả trực tiếp đó, tác giả đã kết thúc bài thơ bằng một liên tưởng nhân hoá:

Ngày mai trời lại sáng

Những cơn mưa lại đến

Em thầm lo số phận

Một ngày như đời hoa

(Hoa trong chiều mưa)

Trở đi trở lại trong thơ Hà Minh Đức là hình ảnh những bông hoa đã qua độ rực rỡ xuân thì, như thân phận những người phụ nữ đang vào tuổi xế chiều - “cuối mùa nhan sắc”. Ngậm ngùi, nhớ tiếc về một “thời oanh liệt” không thể níu kéo, như một dĩ nhiên, đã trở thành dòng hồi tưởng nhuốm màu xa xót:

Em còn nhớ

Bình minh hoa hé nở

Chiều đến đã lụi tàn

Đời em cũng như hoa

Có những ngày rực rỡ

Sắc đẹp lên ngôi

Cô gái có nhiều quyền lực…

(Hoa tàn)

Từ phía chủ thể trữ tình, thông qua dòng “đối thoại ngầm”, người thơ – tác giả – cũng có những nỗi niềm đồng điệu. Quả là trong đời sống xưa nay, thời nào và ở đâu, sắc đẹp cũng có quyền lực riêng. Điều đáng buồn là nhiều khi, nửa thế giới bên kia lại cảm nhận và thấm thía hơn không chỉ giá trị, sức mạnh mà còn ở sự mong manh của thứ quyền lực “một sớm một chiều” đó:

Sao không như kiếp hoa

Vào giữa lúc lụi tàn

Hương hoa bay lên trời

Muôn cánh hoa theo gió…

Chỉ để lại trên đời

Niềm thương nhớ khôn nguôi

(Hoa tàn)

Chuyện “thương hoa tiếc ngọc” xưa nay vốn rất quen thuộc trong hệ ẩn dụ nghệ thuật thơ nói chung và đặc biệt là thi pháp truyền thống của phương Đông và thơ ca dân tộc nói riêng: từ dân gian (ca dao) đến cổ điển, hiện đại. Thông qua hình tượng ghép: phận hoa – kiếp người, nhà thơ sẽ gửi gắm, ký thác quan niệm sống và tư tưởng nhân sinh của mình. Một số bài như Hoa dây leo, Hoa trong chiều mưa, Hoa tàn… được viết theo tinh thần “duy mỹ” đó. Tuy nhiên, Tầm xuân nhớ nắng tạo được ấn tượng mạnh còn bởi sự hiện diện của một thế giới nhân vật trữ tình là nữ trong đó có những “bông hoa lạ”: Bà Chúa Kho, Thị Nở… Và hoa lúc này không còn mang ý nghĩa biểu tượng chung nữa mà là gương mặt cá thể của từng số phận. Trong thơ Hà Minh Đức, đó là một “bà chúa thơ Nôm” tài sắc hơn người nhưng đến nay tên tuổi vẫn còn là một ẩn số - nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Người con gái tài hoa

Tấm lòng sắt son trong trắng

Một đời dạy các ngươi không hết chữ

Có lẽ nào mùa xuân tàn lụi

Những bông hoa bị dập vùi trong cỏ xanh tươi

(Hồ Xuân Hương)

Là Thuý Kiều “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” mà đa đoan chìm nổi phiêu bạt tha hương mười lăm năm trời để rồi cứ đến chiều hôm – khoảng thời gian nhạy cảm nhất đối với người ly biệt – lại hoài hương, lại thương cha nhớ mẹ khôn nguôi:

Nửa đời lưu lạc

Hoang dại chốn quê người

Nỗi nhớ gửi về theo nắng nhạt

Mỗi chiều hoàng hôn

(Hoàng hôn của Thuý Kiều)

Đó còn là những cái tên quen biết “được lên ngôi” nhờ sinh ra ở xứ sở “non nước đa tình, đa cảm” của văn hoá Việt; gắn với những cá tính gần như đã “mặc định” trong tâm thức và tầm đón nhận của người Việt. Một thị Mầu lẳng lơ tràn trề sức sống và bản năng “giới”:

Thị thèm của chua lại say chú tiểu non tơ

Người đẹp như tranh sao trọn kiếp tu hành

Gặp quả chín thơm, Mầu không hờ hững

Mặc cho phép chùa ngăn cấm

Mầu niệm chú, và thả bùa yêu…

(Thị Mầu lên chùa)

Và một “Thị Hến đong đưa” như “đi guốc” vào bụng dạ những kẻ đàn ông hám sắc, khiến một lũ “dại gái” bị sập bẫy làm trò cười cho thiên hạ bao đời:

Thị quyết thả mẻ lưới tình

Tất cả ngược xuôi đều chui và rọ

Chuyện xưa còn đó

Đời sau ghi lại một tích trò

(Đong đưa thị Hến)

Khác với những nhân vật được nhìn nhận và biểu đạt bằng bút pháp vừa nghiêm túc, vừa hài hước nhưng có phần thiên về hài hước, tập thơ của Hà Minh Đức còn có một số nhân vật được xây dựng trên nền của cảm hứng ca ngợi, suy tôn . Mặc dầu không phải là thơ dài, song sự uy nghi, lẫm liệt toả ra từ cái chết của nữ tướng Bùi Thị Xuân đã tạo nguồn cảm xúc hướng thượng, là cơ sở để tác giả viết nên những câu thơ mang sắc thái bi hùng, cao cả của sử thi:

Đất nước biết ơn bà

Kẻ thù thiêu đốt bà trên lửa dữ

Voi trận quỳ lạy dưới chân

Anh linh muôn đời nữ tướng Bùi Thị Xuân

(Nữ danh tướng Bùi Thị Xuân)

Nằm trong dòng cảm hứng tri ân này còn một nhân vật có lẽ rất khó để đưa vào thơ bởi sự lấn át của “tính chất văn xuôi”, đó là bà Chúa Kho. Tuy nhiên, sự có mặt của nhân vật kỳ lạ này đã cắt nghĩa phần nào màu sắc thế sự của bài thơ nói riêng và sáng tác của Hà Minh Đức nói chung:

Bà Chúa Kho

Không quan tước mà trở thành ngự sử

Không cầm quân đánh giặc

Mà góp công cho non nước thanh bình

Kho tàng của nước của dân

Một đồng trinh cũng phải phân minh

(Bà Chúa Kho)

Với Thị Nở - một nhân vật có ngoại hình “phản thơ nhất” cũng đã được tác giả chọn một “điểm nhìn” hợp lý, có “tính thơ”: góc độ tình yêu và đời tư. Chắc chắn là những ai đã đọc truyện ngắn “Chí Phèo” mang tên người yêu Thị Nở nổi tiếng của Nam Cao đều gặp gỡ nhau ở những hình dung về diễn biến cuộc tình của cặp đôi dị biệt nhất trong văn xuôi hiện đại Việt Nam và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao, nhưng Hà Minh Đức, bằng một cái nhìn sẻ chia, “cộng cảm” đã mang đến một phát hiện mới giàu tính nhân văn, nhân bản qua giọng điệu thơ pha chút “giễu nhại”, hài hước nhưng chủ âm chính là thương cảm:

Không có Chí

Nở ôm nặng chữ trinh đến trọn đời

(Tình duyên Thị Nở)

Là một cây bút có cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật “đa lĩnh vực” và phong phú, thơ Hà Minh Đức hấp dẫn người đọc ở những cảm nghiệm lắng đọng và triết lý sâu xa:

Giới hạn của mặt đất là bầu trời

Giới hạn của dòng sông là biển cả

Giới hạn của mùa đông

Là ngày xuân nẩy nở

Nắng hạ lại đốt lửa

Mùa thu sẽ trở về

Việc đời còn ngổn ngang

Lá vàng rơi đầy ngõ…

(Giới hạn)

Sung sức trên nhiều thể loại, nhưng thơ vẫn là địa hạt mà tác giả sống thật nhất với mình, sống với nhiều chiều không – thời gian, giãi bày được nhiều cung bậc tâm trạng:

Cánh gió nào đưa em về đây

Chiều nay hoa lá lại sum vầy

Hạnh phúc nói lời lặng lẽ

Từng giọt từng giọt…

Thánh thót men say

(Chợt đến)

Đó là tiếng nói chân thành của một tâm hồn luôn tha thiết với cuộc đời và biết chờ đợi trước tình yêu. Trong miên man thương nhớ với những ký ức, hoài niệm về tuổi trẻ, điều đáng quí nhất là ở “thì hịên tại”, ông vẫn tìm thấy hương vị ngọt ngào, say đắm của tình yêu. Chính “nàng thơ” đã hồi sinh, trẻ hoá tâm hồn và mang đến cho thơ Hà Minh Đức những điều mới mẻ.


Tác giả: Lý Hoài Thu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây