Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam chia sẻ về ngày Tết cổ truyền

Thứ năm - 04/02/2021 21:14
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV) đang là GS thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng, điều kiện đi lại còn khó khăn khiến thầy chưa thể trở về Việt Nam. Với tư cách một người con đất Việt đang xa xứ, thầy gửi gắm những chia sẻ về ngày Tết Nguyên Đán tới độc giả ở quê hương.
Lần này, tôi qua Hàn Quốc thỉnh giảng tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Vào những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát ở đây, suốt cả năm hầu như chỉ dạy học online. Thời gian gặp và được nói tiếng Việt trực tiếp với người khác hầu như rất ít. 

Có lẽ khi sống ở nước ngoài, điều làm ta giật mình chú ý nhất chính là những âm thanh tiếng Việt bỗng bất ngờ vang lên đâu đó, ở nơi ta không ngờ nhất. Tôi đã đi nhiều nước, và mỗi lần bất chợt nghe tiếng việt í ới quanh mình, thần kinh của tôi bỗng tập trung vào những câu từ tiếng Việt đó chứ không nghĩ gì khác nữa. Rồi bỗng dưng biến mình thành một người "nghe trộm", và rồi không thể nào không bắt chuyện. 

Khoảng cuối tháng 3 năm rồi, một buổi chiều tôi vào cửa hàng Daiso ở gần trường để tìm mua mấy thứ lặt vặt, bỗng nghe tiếng Việt vang lên từ hai cô cậu thanh niên dáng chừng 23-24 tuổi. "Mày mua cái này này", "mày mua thì mua" "tao mua làm gì"... Khoàng 10 phút sau, tôi không chịu nổi nữa, bèn làm một việc mà ở Việt Nam thì không bao giờ làm là tự dưng bắt chuyện. "Chào hai cháu Việt Nam. Bác là người Việt đấy". Trao đi đổi lại, hóa ra cô cậu là sinh viên đang học tại trường tôi dạy. Qua nói chuyện mới biết ở trường có khoảng hơn 100 sinh viên Việt Nam. 

Ảnh chụp với Tâm và Trang 2

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam và hai bạn sinh viên

Cháu gái bảo cháu trai: "Mày lấy số điện thoại liên lạc của bác đi, có gì giúp bác". Chỉ vài hôm sau, cậu ấy đã dẫn tôi đi mua được cái xe đạp (mà tôi đã nhờ mấy người, nhưng cả tháng vẫn không biết của hàng bán xe đạp ở đâu). 

Một hôm đang ở nhà bỗng thấy cậu con trai nhắn tin: "Bác ơi, bác ăn được lòng lợn không ạ?". "Ôi, đang ở nước ngoài mà lại hỏi thế? Được chứ cháu, mà sao?". "Thế để chiều nay cháu mang quà cho bác. Cháu nói đặt mua và làm ạ". Thế là 5 giờ, cậu mang đến cho tôi đầy đủ một đĩa lòng như ở Hà Nội, và cả cháo lòng nữa. Cậu bảo "cháu thèm quá không chịu được, thế là cháu đặt trên mạng rồi cháu tự làm, một nồi luôn ạ". 

Lại nói về những món ăn. Một hôm, tôi đi lên chợ truyền thống Cheongyangni, một khu chợ khá nổi tiếng ở Seoul, bán đủ loại sản vật rau quả, thịt cá, đến thuốc bắc, thuốc nam,... có vẻ như gì cũng có. Tôi đang dạo, tình cờ nhìn thấy một dãy dài người ta bán nhộng, thế là mua ngay một túi nhỏ nhất với giá 2.000 won (khoảng 40.000 đồng tiền Việt) về xào với hẹ. 

Đĩa nhộng ấy đưa một trời tuổi thơ trở lại. Hồi bé, từ 7-8 tuổi tôi ở với o tôi ở Thanh Cát, Thanh Chương, Nghệ An. O tôi làm nghề nuôi tằm, ươm tơ, "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Tôi vẫn nhớ, mỗi ngày, nếu học sáng thì chiều ra bãi, nếu học chiều thì sáng ra bãi. O tôi giao cho tôi phải kiếm được một "sông du" (một sọt lá dâu). Tôi đi hái lá dâu cùng với mấy bạn trong xóm ở những bãi dâu bạt ngàn bên bờ sông Lam. Thực ra là đi hái trộm của hợp tác xã. Nhưng bãi dâu mênh mông thế, nên các chú bảo vệ cũng không bắt. Tôi lại nhớ buổi sáng đi hái dâu ở bãi sông ngang làng Cát Đình, bên kia sông là làng Phượng Kỷ (Đô Lương), bỗng máy bay Mỹ đến thả bom. Chúng tôi cũng đã được biết kinh nghiệm nếu nhìn lên thấy quả bom hình hài thì không sao vì nó rơi xa chỗ mình đứng, còn nếu nhìn thấy hình tròn thì nó đang rơi đúng chỗ mình. Tôi nhìn lên trời và thấy rất nhiều hình tròn, vội ba chân bốn cẳng chạy vào làng. Bom đã nổ ở bên kia làng Phượng Kỳ, rồi trên sông. Sau lưng, đã nghe tiếng những mảnh bom văng vào các thân tre bên đường, tôi chạy thẳng ra đồng. Hôm đó, chị Châu của thằng Chinh trong lớp tôi không chạy kịp. Cũng hôm đó, bên kia làng Phượng Ký, anh hùng Nguyễn Quốc Trị, hy sinh vì bom từ trường nổ chậm lúc ông đạp xe từ nhà ra thăm trận địa pháo phòng không. 

Lại một hôm khác, tôi đi qua nhà ga Weitei ở gần trường tôi (Weitei là Ngoại đại, tức ga trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc), thấy một bà cụ ngồi bán rau dọc lối đi gần ga, trước bà cụ là một đống ngải cứu non, tự nhiên lòng tôi reo lên. Và tôi đã mua ngay một ít về làm trứng ngải cứu ăn. Vừa ăn vừa rưng rưng nhớ quê nhà.

Đó, quê hương khi đi xa thực ra không phải là điều gì quá to tát. Là một câu chào tiếng Việt, hay một hương vị ký ức thôi. Nhưng quê hương vẫn làm rung lòng người xa xứ, nhất là những độ "Tết đến Xuân về". Tôi từng ăn năm cái Tết ở Campuchia thời trai trẻ, ba cái Tết ở Nhật Bản của thời 30-40 tuổi. Tôi hiểu thế nào là nỗi nhớ nhà, nhớ quê những thời khắc đó. Dường như người ở xa hiểu rõ giá trị của cái Tết hơn khi người đó ở nhà. Tôi nhớ hồi ở Tokyo, tôi có người bạn Việt Nam là GS Lê Văn Cừ, anh lấy vợ Nhật, đã ở Nhật Bản tính đến nay là 45 năm, mà anh nói Tết nào anh cũng "xin phép vợ" tìm đến một nhóm bạn người Việt để ăn Tết Việt, và đón Tết qua đêm. Nhà tôi ở Tokyo thời đó cũng là nơi anh và mấy chục sinh viên Việt Nam quây quần đón Tết. 

Đợt này tôi đi công tác dài hạn, Tết này cũng vừa lúc kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chưa biết có thể về kịp Tết được hay không vì đại dịch vẫn còn căng thẳng bên đây, và chỉ còn cách chờ máy bay giải cứu. Vậy nên, dù có đang ở giữa mùa đông Seoul âm 12 độ thì tôi vẫn cứ ôm đàn rên rỉ bài hát Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang: "Làm sao về được mùa đông, dòng sông đôi bờ cát trắng, Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gẫy...". 

Đúng là dẫu có về kịp được Tết hay không thì lòng tôi vẫn sẽ ngân lên: Thế là...Tết ơi!
Seoul, 31-12,2020
 
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam đã giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài trong khoảng thời gian 40 năm, bắt đầu từ cuối năm 1980 tại Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Ông đã có hơn bảy năm dạy tiếng Việt ở Campuchia trong những năm 80 thế kỷ trước và sau đó có nhiều năm giảng dạy ở Nhật Bản, Hàn Quốc và trao đổi khoa học ở nhiều quốc gia khác. Chuyên môn sâu của ông là Ngữ pháp tiếng Việt và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hiện ông là GS thỉnh giảng tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. 

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thiện Nam

Nguồn tin: Nhân dân cuối tuần

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây