Người đưa những chuyến đò khoa học
Thế hệ chúng tôi những sinh viên khóa QHX – 2012, khoa Lịch sử vào trường khi Thầy đã ở tuổi bát tuần. Do tuổi cao nên Thầy ít lên trường và ít dạy, nhưng nhờ duyên số nên chúng tôi những sinh viên ngoại tỉnh thích tìm hiểu về lịch sử và khảo cổ học đã may mắn được gặp Thầy, quen Thầy rồi hay lui tới nhà Thầy để nghe Thầy giảng nhiều giờ đồng hồ về những hoa văn rồng phượng, về tiền cổ, về những hiện vật mà Thầy phát hiện trong những lần khai quật hay đơn giản chỉ là để nghe Thầy chia sẻ về những tâm tư cuộc đời.
Rồi chúng tôi những sinh viên năm nhất chưa biết gì về cái gọi là Nghiên cứu Khoa học Sinh viên đã được Thầy cầm tay chỉ việc, những bản đề cương gạch gạch xóa xóa chi chít mực đỏ mực xanh trong những lần cầm đề cương vào gặp Thầy. Thầy là người đã gợi mở cho tôi một cậu sinh viên người H’mông từ Điện Biên xuống Hà Nội đầy xa lạ về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu để mở ra cánh cửa trước mắt mình những hiểu biết vô cùng thú vị về lịch sử Việt Nam, về chính dân tộc H’mông của mình, sinh viên Vàng A Cử, khoa Lịch sử, chia sẻ.
Cả cuộc đời Thầy từ khi dẫn thân vào nghề đã luôn dành hết tâm huyết cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người. Từ khi còn là cậu thanh niên đến khi tuổi đã xế chiều Thầy vẫn luôn lấy trang giấy làm chiếu lấy cây bút làm gậy, vết chân Thầy đã trải khắp dặm dài đất nước hình chữ S: Việt Nam.
TS. Đỗ Thị Thùy Lan, giảng viên Khoa Lịch sử, một người vừa là học trò vừa là con cháu của Thầy tâm sự “Thầy là một trong những chuyên gia hàng đầu ngành khảo cổ học Việt Nam, được đi – được học và được Thầy chỉ bảo trong nghiên cứu khoa học là một may mắn với cô. Với hơn 80 năm tuổi đời và hơn nửa thế kỷ tuổi nghề, Thầy Khoán đã tích lũy cho mình một kho kinh nghiệm và tri thức phong phú, những sinh viên được may mắn được Thầy truyền nghề là một may mắn không phải ai cũng có được”.
Thân thiện là vậy nhưng Thầy cũng rất nghiêm khắc với sinh viên, Thầy dạy sống trên đời con người phải có Nhân cách và đặt hai chữ Nhân cách lên hàng đầu. Thầy sẵn sàng quát mắng khi sinh viên mắc lỗi, không phải Thầy quát vì ghét mà Thầy quát vì thương. Thầy luôn biết cách động viên sinh viên vượt qua khó khăn để vươn lên thực hiện những ước mơ của mình, riêng bản thân tôi ngoài học được ở Thầy tri thức tôi còn học được cách làm người, cách đối nhân xử thế.
Tấm lòng của người học trò dành cho người Thầy đáng kính
Trong một lần nói chuyện với tôi về Thầy Khoán, bạn Vàng A Cử, K57 Lịch sử, sinh viên đoạt giải nhất cuộc thi viết Nhân Văn Trong Tôi lần 2 do đoàn Trường tổ chức, chia sẻ: “Ngay từ năm nhất mình đã được Thầy hướng dẫn làm NCKHSV và từ đó đến giờ Thầy vẫn là chỗ thân quen mỗi khi có thắc mắc về học tập, về cuộc sống. Thầy thân thiết, nhiệt tình với sinh viên, nhiều lúc vào thầy chơi dù thầy bận viết bài nhưng Thầy vẫn giành thời gian nói chuyện lịch sử, chuyện văn hóa với sinh viên. Kỷ niệm làm mình nhớ nhất khi làm NCKHSV năm nhất, khi đó hai Thầy trò bắt xe sang Hoàng Thành vào xem đoàn đào khảo cổ ở đó. Thầy kể chuyện về Hoàng Thành thời Lý, Trần rồi Lê qua từng tầng văn hóa được phát lộ, rồi lại được Thầy dạy cho cách làm thế nào để sinh viên vào được Hoàng Thành mà không mất tiền vé. Hai thầy trò cứ nói chuyện rồi cười với mấy anh đào khảo cổ bên đó mãi đến trưa”.
Khi được hỏi về tình cảm dành cho người Thầy chống gậy bạn Bùi Thị Diễm Hằng, sinh viên K57, Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học chia sẻ “Thầy Hoàng Văn Khoán là một tấm gương lớn cho sinh viên, Thầy luôn quan tâm giúp đỡ sinh viên tận tình. Mong Thầy mãi mãi khỏe mạnh để giúp đỡ được nhiều thế hệ sinh viên hơn nữa”.
Thầy gần gũi như ông nội của mình, kỷ niệm mình nhớ nhất là chuyến đi với Thầy lên Tuyên Quang thăm Đình Hồng Thái nghe Thầy nói về Lịch Sử và tâm sự về chuyện đời chuyện nghề mà thấy thêm yêu nghề mình đã chọn và đang theo đuổi. Thầy là người truyền cảm hứng cho mình trong học tập, nhiều khi qua nhà Thầy hỏi bài thấy Thầy cặm cụi một mình trên căn gác tầng 2 mà thấy thương Thầy vô cùng, bạn Ngô Thị Ngọc Tú, K57 Lịch sử tâm sự với tôi trong những lần nói về Thầy. Cùng chung cảm nhận này bạn Khúc Thu Phương, sinh viên K57 Lịch sử, chuyên ngành Văn hóa học cho biết “Tớ hay cảm nhận Thầy Khoán như một người ông. Trong công việc Thầy luôn nghiêm khắc mà cũng rất gần gũi, tận tâm, tận tình với học trò. Được làm Nghiên cứu Khoa học Sinh viên với Thầy, được làm học trò của Thầy là điều hạnh phúc lớn trong cuộc đời”.
Chúng em những sinh viên may mắn được gặp Thầy, được Thầy hướng dẫn khóa luận và được Thầy coi như những người cháu trong nhà là điều vô cùng hạnh phúc. Đôi lần đọc tin Hội thảo về khảo cổ học trên web trường, web khoa hay web của Viện Khảo cổ học... thấy hình ảnh cao cao của Thầy ngồi đó mà thấy vui đến lạ. Vì biết rằng Thầy vẫn khỏe, vẫn đi, vẫn cười, vẫn nói và vẫn lấy điếu thuốc làm vui với đời. Chúc cho Thầy Phước Như Đông Hải Trường Lưu Thủy, Thọ Tỷ Nam Sơn Bất Lão Tùng.
Tác giả: Lý Viết Trường K57 Khoa Lịch sử