Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Những khoá luận “đặc biệt”

Thứ ba - 13/08/2013 05:11
Với nhiều sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, khoá luận tốt nghiệp là một cầu nối quan trọng để đến với nghề nghiệp mà mình đam mê.

Đối với sinh viên năm cuối Khoa Báo chí và Truyền thông, được làm khoá luận tốt nghiệp (KLTN) là cả một niềm tự hào. Bởi KLTN là một bài tập đặc biệt, không những giúp sinh viên thể hiện được hết những kiến thức, kĩ năng tích luỹ được trong suốt những năm tháng đại học; mà còn phản ánh thiên hướng nghiên cứu hay sự quan tâm, yêu thích của các bạn đối với những vấn đề thời sự xã hội qua góc nhìn chuyên môn. Nhiều KLTN đã được các thầy cô đánh giá cao bởi tính mới của đề tài, ở tư duy và nhận định sắc sảo, hay đơn giản là sự đầu tư công sức và tình yêu quá lớn của sinh viên dành cho KLTN của mình. Với nhiều bạn, KLTN còn là một cầu nối quan trọng để đến với nghề nghiệp mà mình đam mê.

Khoá luận xuất sắc nhất

Với điểm số 9,86, Bùi Bích Lan đã trở thành sinh viên có điểm KLTN cao nhất Khoa Báo chí và Truyền thông với đề tài: “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thông qua website” (khảo sát top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012) do TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa) hướng dẫn.

Đề tài này đã “theo” Bích Lan ngay từ khi bạn thực hiện niên luận môn học dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền. Được cô tư vấn về lĩnh vực truyền thông doanh nghiệp, Bích Lan đã yêu thích mảng đề tài mới này và quyết tâm theo đuổi. Bạn luôn ghi nhớ câu nói động viên của cô giáo: “Chỉ cần yêu thích và nỗ lực thì nhất định sẽ làm được”. Cuối cùng, đề tài: “Khảo sát mô hình và tổ chức hoạt động bộ phận quan hệ công chúng của top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trên website” của Bích Lan đã trở thành niên luận được đánh giá cao. Tiếp nối sự thành công này, Bích Lan phát triển đề tài lên thành công trình nghiên cứu khoa học sinh viên: “Sử dụng website trong hoạt động quan hệ công chúng tại doanh nghiệp” được giải thưởng NCKHSV cấp trường. Cuối cùng, vẫn quá yêu thích hướng đề tài này, Bích Lan đã phát triển từ nền tảng hai đề tài trên để trở thành KLTN được điểm số cao nhất của Hội đồng.

Bích Lan cũng chia sẻ, do có quá trình nghiên cứu khá lâu trước đó về vấn đề truyền thông của doanh nghiệp nên bạn có nhiều thuận lợi trong quá trình làm KLTN. Không chỉ kiến thức chuyên môn “chắc” hơn mà phương pháp nghiên cứu và viện triển khai đề tài cũng “nhuần nhuyễn” hơn.

Trong KLTN, Bích Lan đặt ra các nhiệm vụ: nêu lên cơ sở lí luận có tính chất nền tảng xoay quanh những nội dung về thương hiệu, về quan hệ công chúng với việc sử dụng website cho chiến lược xây dựng và phát triển thượng hiệu ở các doanh nghiệp hiện nay; tiến hành khảo sát trực tiếp hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu ở website các doanh nghiệp; nhận xét, đáng giá và đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp. Đây là đề tài được Hội đồng đánh giá là mới, có tính thực tiễn và tính thời sự cao, những đề xuất của tác giả cũng rất hữu ích cho chính các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu của mình.

Khi đề cập đến sự thành công của khoá luận, Bích Lan cho biết: “Khoá luận thành công mình phải cảm ơn TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, người thực sự đã dành cho mình nhiều sự quan tâm, chỉ bảo nhiệt tình. Cô không chỉ hướng dẫn mình về mặt chuyên môn, mà còn tạo điều kiện, thông cảm chia sẻ cùng mình những khó khăn trong suốt quá trình từ làm niên luận, NCKH cho đến khoá luận tốt nghiệp. Và quan trọng nhất là cô đã khơi dậy trong mình được niềm yêu thích với những công việc mình làm trong suốt thời gian này”.

Bích Lan cũng chia sẻ những kinh nghiệm để làm KLTN một cách thành công: “Cái cần nhất đó là tâm huyết, xuất phát từ việc bạn thực sự muốn làm về đề tài đã chọn, làm với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Thứ hai, đó là có sự hợp tác và làm việc hiệu quả với giáo viên hướng dẫn – quyết định đến 50% sự thành công và hiệu quả công việc. Thứ ba là thái độ cầu thị và khiêm tốn học hỏi”.

KLTN là TVC đầu tiên

Trong mùa bảo vệ khoá luận năm nay, ở hội đồng chấm sản phẩm truyền hình có một KLTN tuy không phải đạt điểm số cao nhất, lại có thời lượng ít nhất nhưng lại mới mẻ nhất và cũng là cột mốc đầu tiên cho sản phẩm ở mảng quảng cáo, PR. Đó là sản phẩm “TVC cho vay hộ Kinh doanh” của sinh viên Tô Hải Phương, do ThS. Bùi Việt Hà hướng dẫn.

Nằm trong chiến lược đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng nâng cao khả năng thực hành nghề nghiệp, nhiều năm qua Khoa Báo chí và Truyền thông cho phép sinh viên bảo vệ khoá luận tốt nghiệp bằng các sản phẩm truyền hình. Tuy nhiên, các sản phẩm truyền hình chủ yếu là các phóng sự, phim tài liệu (với thời lượng từ 10 phút trở lên) và chỉ năm nay mới xuất hiện một TVC quảng cáo (thời lượng 30 giây).

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hải Phương đã xác định sẽ làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, PR sau khi tốt nghiệp. Trên thực tế, bạn đã kí hợp đồng làm việc với công ty InfoTV ở mảng quảng cáo nên Phương rất yêu thích và quyết tâm làm TVC quảng cáo này. “Điều may mắn của mình nhất trong quá trình thực hiện khoá luận đó là giáo viên hướng dẫn của mình, cô Việt Hà đã tâm huyết hướng dẫn và bảo vệ quan điểm trước hội đồng để sản phẩm này được bảo vệ và bảo vệ thành công” – Hải Phương chia sẻ.

Hải Phương hoàn thành TVC trong 2 tháng. Điều đặc biệt là TVC này Phương làm theo đơn đặt hàng của khách hàng của công ty InfoTV với chi phí 150 triệu. Ê kíp thực hiện TVC của Phương gồm 4 người, không kể quay phim với diễn viên là thuê ngoài. Phương trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất “từ a đến z”, là người lên ý tưởng kịch bản kiêm luôn cả coppywriter – những vị trí mà những người có nhiều kinh nghiệm mới có thể đảm nhiệm tốt được.

Trong quá trình làm, Phương nhận ra rằng, vì TVC là sản phẩm do khách đặt hàng nên phải làm theo ý tưởng của họ và thực tế, cách nhìn của người làm kinh doanh với người làm truyền thông thuẩn tuý có nhiều điểm khác nhau. Bên cạnh đó, “TVC quay bằng Red One, hình ảnh 4K thì hậu kì vất vả gấp 5, 6 lần quay phim full HD bình thường. Quay bằng red one thì sẽ cho cỡ hình gấp 5 lần full HD, tức là gấp đôi cỡ chiếu rạp, đắt gấp mấy chục lần bình thường” – Phương cho biết.

Và thật may, mình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ Hội đồng. TVC được chấm 9,7 điểm – số điểm cao mà mình không ngờ tới. Các thầy cô đánh giá cao TVC vì đây không chỉ là một KLTN mà còn là một sản phẩm trên thị trường” – Hải Phương vui vẻ cho biết.

Sản phẩm TVC của Hải Phương đã được khách hàng chấp nhận, được duyệt và phát sóng 1 ngày sau khi bạn nộp sản phẩm lên Khoa.

Phương chia sẻ: “Mình muốn qua sản phẩm này có thể mở đầu cho những sản phẩm quảng cáo làm KLTN về sau. Mong rằng các em khoá sau có thể học và làm mạnh hơn về quảng cáo và PR khi tốt nghiệp để Khoa mình có những sinh viên ra nghề đa dạng hơn về chuyên môn”.

“Người sống trong nỗi nhớ” – KLTN nhiều ý nghĩa

Cảm ơn bạn vì bộ phim tài liệu ý nghĩa về thầy giáo!”. “Thay mặt sinh viên Khoa Sử, chúng tôi xin cảm ơn bạn”, “Chúng tôi muốn bộ phim được đến với tất cả các bạn sinh viên Khoa Sử Trường ĐHKHXH&NV”,…Với bất kì một người làm phim nào khi nhận được những lời chia sẻ trên khi phim của họ được công chiếu thì quả thật, đó là điều thành công. Và sinh viên Chu Mỹ Lan đã làm được điều đó thông qua KLTN là phim tài liệu “Người sống trong nỗi nhớ”.

Đây là phim tài liệu tái hiện chân dung về một nhân cách, một tài năng, một người thầy nhân hậu – cố PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV.

Còn hơn một sản phẩm tốt nghiệp, bộ phim là lời tri ân của sinh viên đối với người thầy đáng kính – Thầy Nguyễn Hải Kế. Lan cho biết: “Mình thấy cần phải làm một điều gì đó để hình ảnh Thầy luôn sống mãi và được lưu truyền cho nhiều thế hệ sinh viên sau này. Thật hiếm có người thầy giáo nào lại hết lòng vì sinh viên và được sinh viên yêu quý đến vậy. Và mình muốn thật nhiều người biết đến Thầy, biết đến nhân cách và con người Thầy dù chưa một lần tiếp xúc”.

Ngay từ lúc đầu, Mỹ Lan đã gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi đề tài này. Nhiều người lo sợ rằng với khả năng của một sinh viên năm thứ 4 thì khó có thể làm được một bộ phim tài liệu hay, mà lại là bộ phim về một Thầy giáo đã để lại nhiều ấn tượng và tỉnh cảm trong mắt mọi người. Lan cũng xác định rằng: “nếu làm không hay, sẽ là một điều không phải với người đã khuất”. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm tư liệu về Thầy cũng khá khó khăn.

Một bộ phim tài liệu 15 phút, dựng lại chân dung một nhân cách đã khuất, do một sinh viên năm cuối không được đào tạo chuyên sâu về truyền hình, với khoảng hơn 1 tháng thực hiện là điều không dễ dàng. Từ việc làm quen với các cựu sinh viên Khoa Sử, liên hệ với đồng nghiệp, người thân của thầy Hải Kế, sau đó dần dần bạn đã tìm kiếm được các nhân vật phỏng vấn có sức nặng trong phim. Với Lan, giai đoạn khó nhất trong quá trình làm sản phẩm này là dựng hậu kì, bạn mất 2 ngày làm đồ hoạ và 4 ngày để dựng.

Thực sự là trước khi tiến hành hậu kì thì trong suốt quá trình tiền kì và ghi hình, mình luôn trong trạng thái lo lắng và bị áp lực. Mình chỉ sợ nếu làm không tốt thì trước sẽ có lỗi với người thầy đã khuất, sau là có lỗi với thầy giáo hướng dẫn của mình. Bởi vì thầy đã giúp đỡ mình rất nhiệt tình, thậm chí thầy còn bỏ thời gian cùng mình đi ghi hình. 4 ngày dựng hậu kì là 4 ngày mình luôn ra khỏi nhà từ sáng và về nhà vào lúc 1 hoặc 2 giờ đêm” – Mỹ Lan chia sẻ.

Phim của Mỹ Lan đạt số điểm cao nhất trong đợt bảo vệ với điểm số 9.8 và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các thầy cô, sinh viên và những người quan tâm tới sản phẩm. Nhưng với Lan, điều thành công nhất không phải ở điểm số mà là tình cảm, là những giọt nước mắt của những người theo dõi tập phim.

Nhìn lại quá trình là KLTN, Mỹ Lan khẳng định: “Mình thấy trưởng thành hơn sau thời gian làm phim, và nhận ra rằng, một khi đã chấp nhận thử thách thì hãy theo đuổi đến cùng để nhận thấy khả năng của bản thân mình thực sự đến đâu”.

Xây dựng kế hoạch QHCC cho Vovinam Việt Nam

Dù không đạt điểm xuất sắc nhưng KLTN “Xây dựng chiến lược quan hệ công chúng cho Liên đoàn Vovinam Việt Nam đến năm 2020” của Phạm Thị Hồng Thuý nhận được nhiều lời khen từ Hội đồng bởi tính ứng dụng, tính thực tiễn và khả thi của nó.

Một đề tài hoàn toàn mới mẻ và mang tính ứng dụng cao” – TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận xét. Thầy Long (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam) thì nói: “Khoá luận hoàn toàn có thể được ứng dụng vào để xây dựng và phát triển hình ảnh Vovinam”.

KLTN của Khoa Báo chí và Truyền thông nhưng năm qua không có nhiều đề tài về ngành QHCC. Nếu có, các đề tài chủ yếu là nghiên cứu, mô tả về chiến lược truyền thông hay QHCC của một sản phẩm hay một công ti. Đề tài của Hồng Thuý về mảng QHCC nhưng theo một cách rất riêng và khá “xương”. Đó là xây dựng một chiến lược QHCC cho môn võ truyền thống Vovinam. “Việc xây dựng một chiến lược QHCC cho Liên đoàn võ Vovinam là ý định mình đã ấp ủ từ rất lâu rồi, vì mình yêu môn võ này, mình có thời gian khá dài theo học Vovinam. Mình muốn góp phần phát triển môn võ cổ truyền độc đáo này của dân tộc. Và khi có tên trong danh sách làm khoá luận, mình không ngần ngại chọn luôn đề tài này dù nhiều người đã góp ý rằng nó sẽ rất khó khăn”- Hồng Thuý chia sẻ.

Khoá luận của Hồng Thuý cấu trúc đơn giản nhưng cô đọng với hai chương chính. Chương 1 là toàn bộ phần lí thuyết về QHCC mang tên: “Quan hệ công chúng và vai trò của Quan hệ công chúng trong phát triển thương hiệu thể thao”. Chương 2 là phần cốt lõi của khoá luận với tên gọi “Chiến lược QHCC cho liên đoàn Vovinam Việt Nam đến năm 2020”. Đề tài của Thuý là cái nhìn chiến lược cho một môn võ từ góc độ truyền thông, là sự kết hợp hiệu quả giữa kiến thức chuyên ngành về Báo chí – Truyền thông cũng như kiến thức chuyên sâu về Vovinam.

Thuý cho biết: “Khó khăn nhất với mình đó là khâu khảo sát. Mình đã làm hai khảo sát, trong đó một khảo sát lấy ý kiến 100 người, một khảo sát và phỏng vấn sâu 10 chuyên gia về võ Vovinam. Việc phỏng vấn chuyên gia gặp khó khăn bởi thầy Long (Chủ tịch liên đoàn Vovinam Hà Nội), thầy Tuấn (Trưởng bộ môn Vovinam Trường Đại học FPT (võ đường có đông môn sinh nhất Việt Nam) đều rất bận. Khoá luận lại chỉ có 1 tháng rưỡi để làm và mình mất đến 1 tháng cho các phỏng vấn sâu này”.

Thuý cũng vui vẻ tiết lộ rằng: “Thầy Long cho biết nếu khoá luận tốt thì thầy sẽ sử dụng nó cho Liên đoàn Vovinam. Chính điều đó khiến mình càng có thêm động lực để làm tốt khoá luận này”.

Thực hiện KLTN này không chỉ giúp Thuý có được thêm nhiều mối quan hệ, hiểu biết sâu hơn về môn võ cổ truyền mà bạn đam mê, có kiến thức rộng hơn về bộ môn QHCC mà còn thoả mãn mong muốn được dùng kiến thức chuyên ngành BC-TT để góp phần phát triển môn võ Vovinam.

Hiện nay, Thuý đang tiếp tục hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu của mình để ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của Liên đoàn Vovinam. Bước đầu, một vài hạng mục của chiến lược QHCC này đang được hiện thực hoá như: mở các câu lạc bộ Vovinam hay đưa hình ảnh Vovinam lên sóng truyền hình.

Tác giả: Nhóm phóng viên CMP

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây