Khoa Triết học: 35 năm xây dựng và phát triển
admin
2011-11-02T09:32:32-04:00
2011-11-02T09:32:32-04:00
//felixandlilys.com/vi/news/nhan-vat-su-kien/khoa-triet-hoc-35-nam-xay-dung-va-phat-trien-5445.html
/themes/ussh/images/no_image.gif
10 trang web cá cược bóng đá hàng đầu
- ĐHQGHN
//felixandlilys.com/uploads/ussh/logo.png
Thứ tư - 02/11/2011 09:32
Bài viết của Khoa Triết học giới thiệu về chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển thể hiện qua công tác phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình và công tác nghiên cứu khoa học.
Bài viết của Khoa Triết học giới thiệu về chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển thể hiện qua công tác phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình và công tác nghiên cứu khoa học.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cán bộ nghiên cứu và giảng dạy các môn lí luận chính trị sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tháng 9 năm 1976 Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quyết định thành lập khoa Triết học tại trường đại học Tổng Hợp Hà Nội, nay là trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay khi thành lập, nhiệm vụ cơ bản của Khoa triết học đã được xác định là: Đào tạo đội ngũ cán bộ lí luận Mác – Lênin; nghiên cứu và, phát triển ngành triết học Việt Nam phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong thời kì cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không những đối với công tác lí luận tư tưởng của Đảng nói chung, mà còn đối với sự phát triển một ngành khoa học lí luận cơ bản vào bậc nhất của đất nước – khoa học triết học nói riêng. Đây cũng là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân có một đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành triết học và triết học Mác – Lênin bên cạnh hệ thống trường Đảng vốn giữ vai trò chủ đạo từ năm 1975 về trước.
Trên thế giới, triết học là môn khoa học đã được chú trọng nghiên cứu và giảng dạy từ rất lâu. Trong các trường đại học danh tiếng, có bề dày lịch sử đều thành lập khoa triết học và được coi trọng một cách thích đáng đến việc nghiên cứu, đào tạo sinh viên chuyên ngành triết học. So với thế giới ngành triết học ở Việt Nam còn non trẻ. Tuy nhiên với việc thành lập Khoa triết học tại trường đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1976 - Một trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản có uy tín, chất lượng hàng đầu của cả nước, là bước khởi đầu mở ra triển vọng đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá công tác nghiên cứu, giáo dục và đào tạo triết học ở nước ta. Từ đó đến nay, trải qua chặng đường 35 năm, Khoa Triết học trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã từng bước trưởng thành, phát triển và có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục và đào tạo cán bộ lí luận chính trị nói chung và cán bộ nghiên cứu, giảng dạy triết học Mác – Lênin nói riêng cho cả nước. Điều đó thể hiện trên một số mặt sau:
Thứ nhất, công tác tổ chức, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ của Khoa. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và khó khăn đối với Khoa triết học trong buổi đầu thành lập. Khoa triết học không có sẵn đội ngũ các giáo sư, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu để góp sức xây dựng Khoa trong buổi đầu như một số đơn vị khác trong Trường. Biên chế chính thức của Khoa ban đầu chỉ có 3 cán bộ, trong đó có 02 cán bộ giảng dạy, 01 cán bộ văn phòng tư liệu. Để tháo gỡ những khó khăn ban đầu về cán bộ giảng dạy, Khoa Triết học chủ yếu phải dựa vào sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy từ các đơn vị ngoài Nhà trường như Viện Triết học, hoặc trường Đảng để thực hiện chương trình đào tạo của Khoa. Ban khoa giáo Trung ương Đảng đã điều động GS Phạm Như Cương khi đó đang là Viện trưởng Viện Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia), kiêm nhiệm chức vụ chủ nhiệm khoa đầu tiên của Khoa triết học, trường đại học Tổng Hợp Hà Nội. Khoa triết học luôn ghi nhớ công lao to lớn của những người đặt nền móng và đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Khoa, đó là những nhà giáo đầy nhiệt huyết, những nhà nghiên cứu lí luận có uy tín, có bản sắc như: GS Phạm Như Cương, nguyên chủ nhiệm khoa đầu tiên; Cố PGS Nguyễn Quang Thông, GS TS Nguyễn Hữu Vui; PGS Bùi Thanh Quất; nhà giáo Nguyễn Chí Hiếu, cố nhà giáo Nguyễn Đình Xuân v.v. và một số cán bộ giảng dạy của viện Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhờ kiên trì khắc phục khó khăn vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ từ các nguồn sinh viên tốt nghiệp giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tuyển từ trường Đảng hoặc từ các viện nghiên cứu, sau 10 năm đầu số lượng cán bộ của Khoa đã tăng từ 3 người lên 25 người; cơ cấu tổ chức của Khoa gồm 4 Bộ môn chuyên môn là: Bộ môn chủ nghĩa duy vật biện chứng; Bộ môn chủ nghĩa duy vật lịch sử; Bộ môn lịch sử triết học và Bộ môn tâm lí học. Công tác đào tạo của Khoa đã trở nên chủ động hơn.
Tuy nhiên do tình hình kinh tế, chính trị xã hội của đất nước và thế giới có nhiều biến động: sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu (1991); công cuộc đổi mới ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mới được khởi xướng; quan hệ quốc tế của nước ta được mở rộng; cơ cấu tổ chức trường đại học Tổng hợp Hà Nội thay đổi, năm 1995 thành lập Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN), trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) là trường thành viên của ĐHQGHN; sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đào tạo lí luận chính trị, triết học nói riêng cũng thay đổi. Điều đó dẫn đến cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ của Khoa liên tục biến động. Có lúc tăng lên đến 60 người có lúc lại giảm đi còn trên dưới 30 người.
Năm 1988 do có sự sáp nhập Bộ môn Mác – Lênin của Trường vào Khoa triết học, số cán bộ của Khoa tăng lên 60 người. Nhiệm vụ của Khoa không chỉ đào tạo chuyên ngành triết học mà còn có thêm nhiệm vụ giảng dạy hai môn chung: triết học Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học cho các khoa của hai trường: trường ĐH KHXH&NV, trường đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
Do yêu cầu mở thêm mã ngành đào tạo của Trường đại học KHXH&NV, Khoa triết học đã tạo tiền đề về cán bộ để hình thành các khoa mới. Năm 1994 Bộ môn Xã hội học, Bộ môn Tâm lí – Giáo dục – Phương pháp tách ra khỏi Khoa triết học để thành lập hai khoa: Khoa Xã hội học và Khoa Tâm lí học. Năm 2002 Ngành quản lí xã hội tiếp tục tách ra khỏi Khoa triết học để thành lập khoa Khoa học quản lí. Năm 2008 Khoa triết học còn góp phần to lớn trong việc thành lập Trung tâm nghiên cứu tôn giáo đương đại. Cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ của Khoa mỗi khi hình thành một đơn vị mới đều bị xáo trộn. Tinh thần, tư tưởng của cán bộ trong Khoa cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Khó khăn không ngừng nảy sinh trên từng chặng đường phát triển của Khoa triết học. Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường, sự nhận thức đúng đắn về vị trí công tác cán bộ, tinh thần phấn đấu của tập thể cán bộ, đảng viên Khoa triết học, trong hoàn cảnh khó khăn vẫn thường xuyên vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng củng cố cơ cấu tổ chức, phát triển đội ngũ cán bộ của Khoa. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ của Khoa từng bước trưởng thành. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Khoa gồm: Ban chủ nhiệm khoa do PGS TS Nguyễn Thuý Vân là chủ nhiệm khoa và 2 phó chủ nhiệm là PGS TS Nguyễn Anh Tuấn, Thạc sĩ Trần Thị Hạnh; 6 Tổ Bộ môn là: Bộ môn Triết học Mác – Lênin, Bộ môn Lịch sử triết học, Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Bộ môn Lôgic học, Bộ môn Đạo đức – Mĩ học, Bộ môn Tôn giáo học, và Tổ Văn phòng – Tư liệu. Số cán bộ cơ hữu của Khoa hiện nay gồm 36 cán bộ, trong đó có 6 Phó giáo sư, 12 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ. Có 2 cán bộ đang tu học Thạc sĩ và Tiến sĩ ở nước ngoài, 7 cán bộ đang là NCS trong nước. Dự kiến đến năm 2013 số cán bộ của Khoa triết học có trình độ sau đại học đạt trên 90%. Ngoài ra Khoa còn có một đội ngũ đông đảo các cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm có kinh nghiệm và trình độ cao thuộc các Viện nghiên cứu, trường Đảng, các trường đại học ở Hà Nội và trên phạm vi cả nước. Bên cạnh hệ thống tổ chức hành chính, chuyên môn, Khoa triết học có Chi bộ Đảng với 28 đảng viên, Công đoàn khoa, Chi đoàn cán bộ khoa. Giữa tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể của Khoa luôn phối hợp hoạt động nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ của Khoa.
Như vậy, 35 năm qua, Khoa triết học đã xây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học có trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo triết học, vững vàng thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ lí luận ở các cấp từ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Thứ hai, xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo và kết quả đào tạo của Khoa
Cùng với sự phát triển đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục, đào tạo, Khoa triết học cũng coi trọng việc xây dựng các chương trình đào tạo, đảm bảo tính khoa học, hiện đại và phù hợp với yêu cầu thực tiễn nước ta. Từ chỗ chỉ đào tạo ở bậc cử nhân, hiện nay Khoa đã đào tạo cả ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ, từ chỗ chỉ có hai chuyên ban là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay đã có thêm nhiều chuyên ban mới. Qua 35 năm liên tục phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, trắc trở, Khoa triết học đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo sau đây:
Ở bậc cử nhân Khoa đã xây dựng chương trình đào tạo cử nhân hệ chính quy chuẩn (hệ quy – chuẩn) và hệ chính quy chất lượng cao (chuẩn - chất lượng cao). Trong chương trình cử nhân hệ chính quy (chuẩn và chất lượng cao) Khoa đã tiến hành đào tạo chuyên ban vào năm thứ tư (năm cuối khoá). Hiện nay trong chương trình cử nhân của Khoa có 6 chuyên ban: Triết học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử triết học, Lôgic học, Đạo đức – Mĩ học, Tôn giáo học. Ngoài ra Khoa còn triển khai đào tạo cả hệ vừa làm vừa học.
Ở bậc thạc sĩ hiện nay Khoa đã xây dựng và triển khai thực hiện 3 chương trình đào tạo với 3 mã ngành khác nhau là: Thạc sĩ triết học chuyên ngành triết học; thạc sĩ triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học; thạc sĩ triết học chuyên ngành tôn giáo học.
Ở bậc tiến sĩ hiện nay Khoa đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 chương trình đào tạo với 2 mã ngành khác nhau là: Tiến sĩ triết học chuyên ngành CNDVBC và CNDVLS; Tiến sĩ triết học chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học. Sắp tới Khoa sẽ xây dựng và đào tạo thêm 2 mã ngành: tiến sĩ chuyên ngành Tôn giáo học và tiến sĩ chuyên ngành lịch sử triết học.
Quy mô và cơ cấu đào tạo của Khoa 35 năm qua đã được mở rộng đáng kể. Từ khoá đầu tiên với 61 sinh viên, đến nay Khoa triết học đã hoàn thành 32 khoá đào tạo hệ chính quy với 2110 sinh viên đã tốt nghiệp và 2 khoá đào tạo hệ tại chức với 1026 sinh viên đã tốt nghiệp. Hiện nay Khoa triết học đang đào tạo 325 sinh viên hệ chính quy (gồm cả hệ chuẩn và hệ chất lượng cao), 132 sinh viên hệ vừa làm vừa học. Khoa triết học cũng đã đào tạo được 351 Thạc sĩ, 46 tiến sĩ, hiện đang có 210 học viên cao học và 46 nghiên cứu sinh đang theo học tại Khoa. Sinh viên, học viên cao học và NCS của Khoa triết học sau khi tốt nghiệp ra trường phần lớn tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn lí luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng hoặc viện nghiên cứu, một số công tác trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở đâu sinh viên, học viên Khoa triết học cũng phát huy tốt những kiến thức được trang bị trong thời gian học tập tại Khoa, tham gia tích cực vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước. Những thành quả trên đây của đội ngũ cán bộ Khoa triết học đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lí luận cơ bản của nước nhà.
Thứ ba, những kết quả trong biên soạn giáo trình, bài giảng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện tốt các chương trình đào tạo, Khoa triết học thường xuyên coi trọng việc biên soạn giáo trình bài giảng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng dạy và sinh viên trong Khoa. Những năm đầu, khi mới thành lập Khoa, đội ngũ cán bộ còn mỏng nên số giáo trình, bài giảng và các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ trong Khoa còn ít. Những năm sau, đội ngũ cán bộ của Khoa trưởng thành, hàng năm số giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, bài báo khoa học được xuất bản, công bố ngày càng nhiều. Từ năm 2006 đến nay, khi thực hiện chủ trương của Nhà Trường và của Đại Học Quốc Gia về chuyển đổi phương thức đào tạo từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, trong Khoa triết học đã có 9 giáo trình, bài giảng được nghiệm thu và đưa vào giảng dạy. Cán bộ của Khoa đã viết và xuất bản 50 đầu sách chuyên khảo và tham khảo (trong đó có 4 đầu sách xuất bản ở CHLB Đức); đã chủ trì 18 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, 25 đề tài cấp ĐHQG, 01 đề tài trọng điểm, 01 đề tài cấp nhà nước; 350 bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và kỉ yếu Hội thảo khoa học. Riêng năm học 2010 – 2011 đã có 5 giáo trình được biên soạn và nghiệm thu, trong đó có 3 giáo trình đã được xuất bản.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được đẩy mạnh. Từ 2000 đến nay, hàng năm đều tổ chức được các cuộc Hội thảo khoa học sinh viên cấp Khoa và tham gia cấp Trường. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải cấp Bộ, cấp ĐHQG và cấp Trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên đã góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp học tập và nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và Trường.
Cùng với xu hướng hội nhập và mở cửa của đất nước, hoạt động hợp tác quốc tế của Khoa cũng được tăng cường, mở rộng. Hiện nay Khoa triết học đã có quan hệ dưới các hình thức khác nhau với 20 đối tác quốc tế như: Trường Đại học Passau, Đại học Humbolt, Viện Nghiên cứu truyền giáo Achen (CHLB Đức), Trường Đại học Phụ Nhân, Đại học Quốc gia Đài Bắc, Viện Xã hội mở (Đài Loan), một số trường đại học ở Cộng hoà Pháp, Cộng hoà Liên bang Nga, CHND Trung Hoa, Mĩ, Liên đoàn các Hiệp hội triết học thế giới (FISP), Quỹ trao đổi Hàn lâm Đức DAAD, UNESCO v.v. Từ năm 2005 đến nay, đã có hàng chục lượt giảng viên các nước Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mĩ, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc v.v. đến giảng và trao đổi học thuật về các vấn đề triết học đương đại với cán bộ, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Khoa triết học. Có một số cán bộ của Khoa đi nghiên cứu, trao đổi khoa học với các đối tác nước ngoài. Vị thế của Khoa triết học trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.
Với sự phấn đấu liên tục trong nhiều năm, với những kết quả đạt được trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 1997 Khoa triết học vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba; tiếp sau đó năm 2001 Khoa được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Trong Khoa có 01 cán bộ được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 04 cán bộ được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhiều cán bộ được tặng Bằng khen của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 35 năm qua, Khoa triết học luân là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc.
Những bài học kinh nghiệm và những định hướng phát triển
Nhìn lại quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ và lãnh đạo Khoa triết học đã nghiêm túc đánh giá về những kết quả đạt được và những hạn chế của Khoa, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho sự phát triển Khoa trong thời gian tới:
Thứ nhất, không ngừng xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong toàn Khoa mà hạt nhân là việc xây dựng Chi bộ Khoa vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng, thực hiện tốt quy chế dân chủ, phối hợp tốt hoạt động của các tổ chức quần chúng trong Khoa.
Thứ hai, lấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu lí luận cơ bản cho đất nước là nhiệm vụ trung tâm. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn xã hội. Coi chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học như hai cánh chim để nâng cao vị thế của Khoa triết học trong nước và quốc tế.
Thứ ba, không ngừng củng cố đội ngũ cán bộ, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, phát triển cán bộ đầu đàn, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu lí luận cơ bản cho đất nươc. Kết hợp phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ Khoa với mở rộng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong nước và quốc tế để tăng cường và hiện đại hoá năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa.
Với niềm tự hào về những kết quả đạt được qua 35 năm xây dựng và phát triển của Khoa, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và những yêu cầu của thực tiễn xã hội hiện nay, tập thể cán bộ, học viên, sinh viên Khoa triết học xác định mục tiêu chung của Khoa trong những năm tới là: Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỉ cương, trí tuệ, nâng cao hiệu quả trong mọi hoạt động của Khoa, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đào tạo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy triết học có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng, có tri thức hiện đại về các khoa học triết học, có năng lực tư duy lí luận, có phương pháp nghiên cứu, phương pháp sư phạm, năng lực công tác xã hội tốt, có trình độ ngoại ngữ, tin học tốt; chủ động trong hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước.