Sáng 6/9/2009, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức buổi hội thảo tư vấn về chương trình đào tạo liên kết quốc tế hệ 2+2. Đông đảo các học sinh cùng các bậc phụ huynh đã tham gia tìm hiểu và trao đổi thông tin tại hội thảo này.
Sáng 6/9/2009, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức buổi hội thảo tư vấn về chương trình đào tạo liên kết quốc tế hệ 2+2. Đông đảo các học sinh cùng các bậc phụ huynh đã tham gia tìm hiểu và trao đổi thông tin tại hội thảo này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được cung cấp những thông tin chi tiết về các mặt hoạt động của hai trường đại học, những nội dung cơ bản của chương trình đào tạo liên kết 2+2. Các điều kiện ưu đãi khác dành cho du học sinh và đặc biệt là chương trình cho vay du học của Ngân hàng Đông Á dành cho sinh viên tham gia chương trình đào tạo này cũng được giới thiệu cụ thể.
Đại học Quảng Tây thành lập năm 1928, đến năm 1949, Trường đã phát triển thành trường đại học tổng hộp có ảnh hưởng lớn trong nước với 5 lĩnh vực đào tạo: Xã hội, Luật, Tự nhiên, Công nghệ và Nông nghiệp, được cấu trúc thành 22 khoa và 4 bộ môn chuyên ngành. Hiện có 328 lưu học sinh đang theo học tại ĐH Quảng Tây.
Về phía Trường ĐHKHXH&NV, chương trình liên kết đào tạo với Đại học Quảng Tây là một hoạt động tích cực nhằm thực hiện chủ trường đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội của người học cũng như nâng cao chất lượng đào tạo thông qua liên kết đào tạo quốc tế. Đề án liên kết này hướng tới mục tiêu đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực là người Việt Nam có trình độ đại học và năng lực tiếng Trung Quốc trong lĩnh vực hành chính công, quản lý du lịch, ngôn ngữ và văn hoá vốn rất được quan tâm ở cả Việt Nam và Trung Quốc, tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam được học tập trong một môi trường đào tạo quốc tế.
Trước nhiều băn khoăn của đại biểu về ngành học và chương trình đào tạo, ThS. Đinh Việt Hải (Phó Trưởng Phòng Đào tạo) cho rằng, với những điểm tương đồng về hệ thống chính trị, văn hoá cũng như trình độ phát triển chung giữa hai nước, học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thực tế công việc ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, trong 2 năm đầu học tại Trường ĐHKHXH&NV, Nhà trường sẽ khuyến khích sinh viên sang Đại học Quảng Tây học tiếng Hán trong thời gian hè để có điều kiện nâng cao trình độ tiếng và làm quen trước với môi trường học. Trong thời gian học, Nhà trường sẽ có đánh giá định kỳ về trình độ Hán ngữ của người học và cam kết sẽ áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực việc học tiếng Hán cho sinh viên. Các giảng viên của Đại học Quảng Tây cũng sẽ sang Việt Nam để tham gia giảng dạy các kiến thức chuyên ngành cho sinh viên.
Mặt khác, ThS. Đinh Việt Hải cũng nhấn mạnh rằng môi trường học tập tại Trường ĐHKHXH&NV rất thuận lợi để sinh viên học và phát triển kỹ năng tiếng Hán trước khi chính thức học tại Trung Quốc. Với vị thế là một trường đại học đầu ngành, uy tín và lâu đời về khoa học xã hội nhân văn, mỗi năm có khoảng 400 lưu học sinh Trung Quốc theo học, lại có ngành Trung Quốc học đã có kinh nghiệm đào tạo 10 năm, các sinh viên của chương trình 2+2 được tạo điều kiện tốt nhất để học, giao tiếp ngôn ngữ và tìm hiểu về văn hoá Trung Quốc.
Tại hội thảo, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, các chuyên gia trong lĩnh vực du học đã giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu về các vấn đề liên quan đến: điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại Quảng Tây, khả năng theo học song song hai ngành đào tạo của chương trình 2+2, khả năng liên thông và học tiếp lên cao cũng như cơ hội việc làm sau tốt nghiệp...
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn