Vai trò của ngôn ngữ, trước hết là lời nói, sau là chữ viết, trong đời sống của con người thật là đặc biệt, dường như càng về sau càng quan trọng. Đến một giai đoạn nhất định trong lịch sử, dường như ngôn ngữ tự nó có một quyền năng khổng lồ, vượt lên và nằm ngoài mọi sự kiểm soát của chính chủ thể phát ngôn. Mọi thiết kế quyền lực có sự hùng mạnh đáng kể, cả sau khi chúng đã mất hút trong dòng thời gian, còn để lại biết bao nhiêu dư uy trong các pho “kinh, sử, tử, tập”.
Việt Nam trong truyền thống, tính đến thời điểm có tín sử, là quốc gia “đồng văn” với các quốc gia Đông Á. Các triều đại cầm quyền lãnh đạo và cũng là cai trị đất nước từng bước nhuần nhuyễn dần thành đường lối “văn trị”, biến người “có chữ” thành loại người có đặc quyền, biến văn chương thành loại hoạt động tinh thần vừa cao cả vừa tiềm tàng hiểm hoạ.
Cấp cho văn chương một thứ uy lực quá lớn, ở Trung Quốc và các quốc gia đồng văn khác thời trung đại cũng đã dành cho người làm văn chương và chính các tác phẩm văn chương phát triển nhưng cũng chính là những hiểm hoạ, những cạm bẫy khôn lường dành cho kẻ “năng văn”.
Lâu nay, từ người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp cho tới độc giả phổ thông của văn học đều tập trung sự chú ý và trải nghiệm của mình vào các tác phẩm lớn, những tác giả lớn. Lối ứng xử đó không sai nhưng chưa đủ. Thiếu sự am tường đối với “ba chuyện râu ria, ngoại đề” trong rất nhiều trường hợp lại phương hại không ít đến việc hiểu đúng, hiểu sâu về tác giả, về tác phẩm, đôi khi gây ngộ nhận đến việc đánh giá cả một thời kì, một giai đoạn văn học!
Hướng nghiên cứu tỉ mỉ, cặn kẽ này đối với lịch sử văn học, về bản chất, không có gì chung với lối tiếp cận phổ biến của một thời mà giờ đây thường được gợi nhé lại cùng một sự dè bỉu là “tiếp cận xã hội học dung tục”.
Nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ Phạm Văn Hưng có ý thức cao độ về tầm quan trọng và triển vọng của một hướng tìm tòi như thế. Tập sách chưa phải dày dặn nhưng cũng đã khá công phu này là thành quả bước đầu của một hành trình có lẽ là “còn tốn cơm gạo” để dựng lên cho được cái mà Pierre Bourdieu gọi là “trường văn học”. Có thể phải cân nhắc thêm về một số từ ngữ mang tính khái niệm hoá trong công trình này, nhưng theo thiển ý, việc tập hợp những vụ án văn chương trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ X-XIX là một việc làm hữu ích và có sự hấp dẫn. Từ kết quả của những tìm tòi, hệ thống hoá như thế này, hi vọng sẽ cung cấp cho người nghiên cứu và độc giả yêu mến lịch sử văn học dân tộc nói chung những chất liệu “thực phẩm của tư duy”, đặng giúp họ cảm nhận và suy nghĩ sâu sát đúng hơn về tính quy luật của sự vân động và phát triển văn học dân tộc.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần.
Tác giả: Trần Ngọc Vương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn