Rốt cuộc, mô hình tự do dân chủ kiểu phương Tây cần phải hiểu chính xác như thế nào? Và nó liệu có phải là một mô hình chuẩn mực để tất cả các nền chính trị trên thế giới bắt buộc phải hướng đến hay không?
Đây là câu hỏi mà nhân loại từng đặt ra một cách gay gắt từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, và nhiều người cho rằng “trật tự lưỡng cực” đã chuyển sang “trật tự đơn cực” nhưng đến lúc này thì có vẻ mọi thứ lại diễn ra không như vậy. GS.TS Phạm Quang Minh, nhà nghiên cứu chính trị học và quan hệ quốc tế có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này. Ông nhận lời tham gia chuyên mục “Đối thoại & Suy ngẫm” của ANTG GT - CT để chia sẻ với độc giả những nghiên cứu của mình, từ nhiều góc độ khác nhau.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, trước khi bàn về những đặc điểm của mô hình tự do dân chủ kiểu phương Tây thì chúng ta bắt buộc phải nói về thời điểm “lên ngôi” của nó. Theo tôi, nó “lên ngôi” vào thời điểm hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, đúng không ạ?
- GS.TS Phạm Quang Minh: Nửa cuối những năm 1980, thế giới chứng kiến những thay đổi có tính chất cấu trúc và toàn cầu. Đó là sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh, kéo theo sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của chế độ dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu và trật tự thế giới 2 cực đã tồn tại hơn 50 năm kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2 (1947-1989).
Chứng kiến những biến chuyển có tính chất chấn động như thế, năm 1989, giáo sư Francis Fukuyama đã đưa ra luận thuyết về cái gọi là “Sự cáo chung của lịch sử” (The end of History) đăng trên tạp chí “The National Interest” (Lợi ích quốc gia).
Theo Fukuyama, cùng với sự tan rã của Liên Xô và trật tự 2 cực, loài người chứng kiến sự cáo chung của sự tiến hóa về tư tưởng và sự toàn thắng của nền dân chủ tự do phương Tây với tư cách là mẫu hình cuối cùng của nền quản trị nhân loại trong tương lai lâu dài.
Nhưng, nhìn lại những gì diễn ra từ cuối thập niên 70 và giữa thập niên 80 đến nay, khi các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, nhất là hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành cải cách mở cửa, thực hiện các chính sách phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại thì chúng ta thấy rằng mọi thứ không phải như thế.
- Ai cũng biết là chủ nghĩa xã hội được “cấy” từ Đông Âu sang Đông Á, thế mà cuối cùng chủ nghĩa xã hội được cải cách ở Đông Á lại tồn tại, còn chủ nghĩa xã hội nguyên mẫu ở Đông Âu lại chết. Nếu gọi đấy là nghịch lý của thời đại thì ở góc độ của một nhà nghiên cứu chính trị, ông lý giải nghịch lý này ra sao?
- Cuộc khủng hoảng ở Đông Âu có nhiều lý do nhưng cơ bản tập trung vào 2 lý do chính là sự kém hiệu quả của nền nông nghiệp tập thể hóa và sự thiếu linh hoạt của nền kinh tế tập trung. Hai vấn đề này mặc dù có thể giúp nhà nước kiểm soát và tái phân phối đa phần sản lượng chung nhưng lại kìm hãm, thậm chí là triệt tiêu động lực tăng trưởng sản xuất.
Do đó, trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhà nước chỉ có thể thực hiện được vai trò ở giai đoạn đầu, càng về sau càng bộc lộ sự yếu kém và càng trở nên lạc hậu so với những nhà nước có nền kinh tế tăng trưởng cao.
So với châu Âu, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Á có một khác biệt rất lớn, đó là các nước này hầu như chưa trải qua cuộc cách mạng công nghiệp theo đúng nghĩa của nó, cho đến nay, nông dân vẫn chiếm phần lớn dân số. Riêng ở Việt Nam, cho đến năm 2019 số người sống ở nông thôn vẫn chiếm 65,6% dân số. Theo nhiều nghiên cứu, dân cư ở nông thôn có cảm tình hơn với chế độ xã hội chủ nghĩa. Các nghiên cứu ở vùng Balkan cũng cho thấy, phần lớn nông dân vẫn tiếp tục ủng hộ đảng cộng sản trong các cuộc bầu cử tự do.
Những nước như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên đều chia sẻ một đặc điểm chung là chính phủ đã kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng dân chủ nhân dân. Ở Trung Quốc, không giống như Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông đã thành công trong việc tập hợp lực lượng, lãnh đạo các dân tộc, sử dụng vấn đề dân tộc như một công cụ trong cuộc Chiến tranh Thế giới 2 chống phát xít Nhật, nên đã nhận được sự ủng hộ của toàn dân.
Tương tự, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành công trong việc gắn kết chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc, tạo thành sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và vì thế đã giành thắng lợi, điều mà không một chính đảng nào khác có thể làm được.
- Tức là Đảng Cộng sản ở đây có “tính chính danh” rất lớn?
- Đúng rồi, tính chính danh!
Nhưng nếu chỉ dựa vào “tính chính danh” (legitimacy/ legitimation) thì không dễ gì có thể tồn tài một cách lâu bền nên chắc là bên cạnh “tính chính danh” vốn đem lại những lợi thế ban đầu rất lớn thì có lẽ điều quan trọng còn đến từ những cải cách, cải biến ở trong lòng nó?
- Có một xu thế dễ thấy là: các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Á có xu hướng học hỏi hoặc chịu tác động từ các nước láng giềng, chủ yếu từ những nước công nghiệp mới vì sự tương đồng lịch sử, văn hóa như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
- Cụ thể là họ học hỏi điều gì. thưa ông?
- Họ học tập một cách triệt để mô hình dân chủ chuyên quyền của các nước công nghiệp mới này, để lãnh đạo một nền kinh tế nhiều thành phần hoặc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, còn một yếu tố rất đặc biệt nữa mà các nhà nghiên cứu cũng thường nói đến, đó là các nước Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đều chia sẻ một di sản văn hóa chung là Nho giáo.
Bởi vì có sự tương đồng giữa Nho giáo và tư tưởng xã hội chủ nghĩa như tinh thần tập thể, nguyên tắc tôn ti thứ bậc, sự từ bỏ tôn giáo có tổ chức, có ác cảm với thương mại, tôn thờ người trí thức quân tử với sự hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ và soi đường chỉ lối cho người dân. Cả Nho giáo và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Á đều nhấn mạnh sự ổn định, hài hòa, tránh đa nguyên, đa đảng vì lo ngại sự xung đột, mâu thuẫn dễ dẫn đến bất ổn, sụp đổ.
- Bây giờ thì xin quay trở lại với vấn đề mà tôi đặt ra ở đầu cuộc đối thoại này, đó là những đặc điểm cơ bản của các giá trị tự do, dân chủ phương Tây. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, giáo sư có thể cho biết chúng ta cần phải hiểu chính xác những giá trị này như thế nào được không?
- Trước hết, phải thấy rằng mức độ dân chủ trong các nền chính trị thế giới được các nhà nghiên cứu chia ra làm 3 loại. Thứ nhất là loại dân chủ tự do (liberal democracy), thứ hai là dân chủ chuyên quyền (authoritarian democracy) và thứ ba là độc tài (autocracy), không có tý dân chủ nào cả. Vậy thì thế nào là một nền dân chủ tự do?
Đặc trưng quan trọng nhất của nền dân chủ tự do là phải có cạnh tranh quyền lực trong các cuộc bầu cử có định kỳ. Và cuộc cạnh tranh này nhất định phải diễn ra sòng phẳng. Nếu phân tích kỹ đặc tính sòng phẳng này anh sẽ thấy là ở đây không có kiểu “được làm vua - thua làm giặc” như một câu khẩu ngữ quen thuộc của người Việt Nam mình.
- (Cười...). Bởi vì thua thì cũng không có nghĩa là giặc!
- (Cũng cười...). Đúng rồi! Trong trường hợp này phải nói là: Được làm vua - thua thì làm đối lập.
- Câu này hay quá.
- Chính vì tư tưởng đó mà chúng ta hiểu vì sao sau khi thua trong một cuộc bầu cử, người thua vẫn cứ gọi điện chúc mừng người thắng. Người ta hiểu rằng trong cuộc đua sòng phẳng này người ta thua nhưng sau 4 hoặc 5 năm nữa (tùy từng nước), kết thúc nhiệm kỳ thì người ta lại có cơ hội để tiếp tục vào đường đua.
- Còn điểm gì đặc trưng cho nền dân chủ kiểu này không ạ?
- Đặc trưng thứ hai của mô hình này là trong xã hội phải luôn có các “nhóm hành động xã hội”, hoạt động tự do và có khả năng ảnh hưởng tới quá trình ra chính sách mà ví dụ điển hình nhất chính là hoạt động của các công đoàn, các nhóm vận động hành lang, hoạt động xã hội...
- Nhà nước chỉ định hướng, tạo ra những khung pháp lý cơ bản, còn đâu phải để thị trường hoạt động và điều tiết?
- Tôi từng viết một câu được cho là quan trọng nhất trong đề tài nghiên cứu của mình rằng: “Một chính phủ tốt phải là một chính phủ ít can thiệp nhất”. Chứ bây giờ, giả dụ như xảy ra một vụ tai nạn cũng gọi thủ tưởng, một vụ hỏa hoạn cũng gọi thủ tướng, một vụ đầu tư sai cũng gọi thủ tướng, cái gì cũng gọi thủ tướng và chờ thủ tướng cầm tay chỉ việc thì thủ tướng làm sao còn thời gian, sức lực để giải quyết những vấn đề vĩ mô được nữa. Nếu thủ tướng phải làm như thế, chính phủ phải làm như thế, nhà nước phải hoạt động như thế thì chứng tỏ bộ máy của nhà nước là không hiệu quả.
- Trong mô hình này thì chắc chắn là kinh tế nhà nước không phải là động lực, không phải là trọng tâm?
- Có 3 yếu tố điều hành một nền kinh tế, đó là nhà nước - thị trường - xã hội. Có một thời, Việt Nam chúng ta cứ lo kinh tế nhà nước mất vai trò nên đề cao sở hữu nhà nước hay sở hữu tập thể mà coi nhẹ yếu tố tư nhân. Mà các tập đoàn kinh tế nhà nước thì có đầy những đặc quyền đặc lợi về đất đai, nguồn vốn và đủ thứ ưu tiên khác. Kết quả chúng ta đều biết là hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Nhưng, bây giờ thì chúng ta đã thay đổi và coi kinh tế tư nhân là động lực rồi.
- (Gật đầu). Đó là một thay đổi đáng mừng. Nhân có thay đổi này, tôi chợt nhớ lại thời điểm giải phóng miền Nam, năm 1975. Ngay sau khi giải phóng, chúng ta đã đặt ra vấn đề: liệu có thể xây dựng mô hình một nhà nước hai chế độ được không?
- Tức là miền Bắc vẫn theo kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng miền Nam thì thử nghiệm kinh tế thị trường?
- Đúng rồi, vì đặc điểm kinh tế, xã hội ở miền Nam rất khác. Nhưng, sau đó thì điều này lại không được thông qua. Chúng ta đã đưa mô hình kinh tế miền Bắc vào đó, tập thể hóa nông nghiệp, cải tạo công, thương nghiệp và thế là nền kinh tế vận hành kém hiệu quả trong một thời gian rất dài.
- Nhân tiện giáo sư nghĩ lại một câu chuyện về quá khứ thì tôi cũng xin mạn phép thử nghĩ lại theo một cách khác: giả dụ như lúc ấy chúng ta cho miền Nam thử nghiệm kinh tế thị trường thì người anh cả khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô sẽ nghĩ như thế nào? Người anh ấy có đồng tình, ủng hộ chúng ta không?
- Thật ra thì ngay cả trước đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bản thân Liên Xô cũng chỉ muốn chúng ta giải quyết mọi chuyện bằng thương thuyết hòa bình, chứ không phải bằng sức mạnh quân sự. Trung Quốc thì muốn Việt Nam trường kỳ kháng chiến vì họ muốn Mỹ và Liên Xô cứ thế cuốn vào cuộc chiến tranh này. Nhưng rồi chúng ta vẫn có cách đi riêng của chúng ta kia mà.
GS.TS Phạm Quang Minh trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT - CT.
- Tôi có đọc những tài liệu khá tin cậy nói rằng, thời ấy Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn từng nói: muốn đánh Mỹ thì không được sợ Mỹ đã đành mà còn không được sợ cả Liên Xô lẫn Trung Quốc nữa. Vì phải “không sợ” thì chúng ta mới có thể lách đi giữa các nước lớn, với những quyền lợi, toan tính chằng chéo của các nước lớn một cách hợp lý nhất và có lợi nhất với mình.
- Thế cho nên lúc đó phải nói là cách đi của chúng ta tương đối độc lập đấy chứ. Trở lại với việc giả như sau năm 1975 có câu chuyện một nhà nước hai chế độ, tạo một khoảng thời gian cho kinh tế miền Nam phát triển theo cách của nó, tức là tạo một khoảng trống để hai cái đường ray kịp khớp lại thì chưa biết chừng sau đó kinh tế miền Bắc cũng thay đổi tích cực luôn. Tất nhiên, lịch sử không có chỗ để “nếu” nhưng khi nhìn lại lịch sử thì chúng ta vẫn phải “nếu” để thấy rằng việc chọn lựa thể chế và các mô hình phát triển là vô cùng quan trọng đối với một quốc gia.
- Giáo sư vừa phân tích đến mô hình phát triển kinh tế ở các nhà nước dân chủ tự do. Còn điều gì cần chú ý ở loại hình nhà nước này nữa không?
- Dân chủ tự do còn đặc điểm nữa, ngoài là nền dân chủ mà các quyền cơ bản của người dân được tôn trọng, như tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do học hành... còn đặc điểm thứ năm, đó là chính phủ được điều hành bởi các lực lượng dân sự. Anh nhìn ngay cả bộ trưởng quốc phòng của nhiều nước cũng là một nhân vật dân sự hoàn toàn chứ không nhất thiết cứ phải là một ông tướng có sao vạch. Bà Inada Tomomi hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản là một luật sư đấy chứ.
- Nếu chiếu theo một số đặc điểm mà giáo sư vừa nêu ra thì phần lớn các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam chúng ta đều không thuộc mô hình dân chủ tự do này. Có lẽ chúng ta ở cấp độ thứ hai, dân chủ chuyên quyền chăng?
- Thật ra thì chúng ta dịch cấp độ dân chủ thứ hai này sang tiếng Việt bằng nhiều cách khác nhau. Có người dịch là dân chủ chuyên chế, có người dịch là dân chủ tập trung, có người lại dịch là dân chủ tập thể. Cá nhân tôi thì nghĩ có thể gọi đấy là mô hình dân chủ chuyên quyền mềm. Và theo nghiên cứu của chúng tôi thì chính mô hình này, chứ không phải mô hình dân chủ tự do kiểu phương Tây lại rất phù hợp với các xã hội Đông Á, trong đó có Việt Nam. Bởi vì cái nền tảng xã hội, nền tảng kinh tế, nền tảng văn hóa, chính trị của các nước châu Á rất khác với phương Tây.
Chỉ xin dẫn chứng một điều rằng, chế độ phong kiến ở nhiều nước châu Á kéo dài đến tận nửa đầu thế kỷ 20, trong khi ở nhiều nước phương Tây thì nó chỉ tồn tại đến giữa thế kỷ 18-19. Xây dựng một mô hình phát triển nào cũng phải phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, xã hội của mình, chứ không thể áp dụng một cách máy móc, theo cái chuẩn cố định nào đó ở bên ngoài.
- Tôi đồng cảm với cách nhìn của giáo sư bởi có thể nói nôm na thế này: nhìn sang nhà hàng xóm, chúng ta thấy hàng xóm mặc cái áo rất đẹp. Nhưng, nếu vì thế cũng may y nguyên một cái áo giống hàng xóm để mặc cho những thành viên trong nhà mình thì có thể nó lại tạo ra những hụt hẫng rất lớn về mĩ cảm. Nhưng, thưa giáo sư, điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ khư khư giữ nguyên những gì mình vốn có mà không chịu thay đổi, không chịu cải cách theo đúng xu thế phát triển của thời đại, đúng không ạ? Có thể chúng ta không may một cái áo giống y chang cái áo nhà hàng xóm nhưng bắt buộc chúng ta phải hiểu được những nguyên lý và xu thế để có thể tạo nên một chiếc áo đẹp, phù hợp nhất với mình.
- Có nhiều cái chúng ta phải thay đổi chứ, để hướng tới một mô hình quản trị phát triển xã hội hài hòa, bền vững. Chúng tôi đã có những nghiên cứu rất sâu về việc này, trong đó có thể nói vắn tắt, dễ hiểu rằng: phải chuyển đổi mô hình quản lý sang mô hình quản trị.
- Sự khác biệt giữa quản lý và quản trị nằm ở đâu, thưa ông?
- Nói về mặt lý luận thì quản lý là làm đúng những điều cần làm, còn quản trị là làm điều đúng đắn. Quản lý mang tính đối phó, ứng phó; quản trị thì có tầm nhìn chiến lược. Quản lý là cầm tay chỉ việc, cái gì cũng dẫn dắt, không tạo ra không gian cho người ta làm việc và sáng tạo; quản trị thì chỉ tạo ra hành lang pháp lý thôi, còn những vận động cụ thể thì để người ta tự làm.
- Quản trị rõ ràng là một chân trời khác?
- (Gật đầu). Quản trị thường được đề cập trong những bối cảnh mà ở đó nhà nước có thể không giữ vị trí đặc biệt chi phối. Quản trị nhấn mạnh đến việc chuyển đổi, giảm bớt quyền lực mang tính thể chế truyền thống của chính phủ theo 2 hướng: thứ nhất là chuyển lên cho các thể chế/chủ thể xuyên quốc gia và thể chế/chủ thể vùng/khu vực, ví dụ như ASEAN và thứ hai là chuyển cho các chủ thể khác như các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp.
Nhìn một cách tổng thể, quản trị xã hội là quá trình chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và các cá nhân là những đối tác hợp tác bình đẳng để điều chỉnh và quản lý các vấn đề xã hội. Trong quá trình quản trị, quyền lực của chính phủ, thị trường và xã hội cùng tồn tại.
- Như vậy có 3 cái trụ lớn trong mô hình quản trị là Nhà nước - Thị trường - Các tổ chức xã hội và Cá nhân, nó phá đi cái mô hình quản lý cổ điển vốn chỉ có 1 trụ duy nhất là nhà nước?
- Trong bối cảnh hôm nay, nếu nguồn nhân lực, nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho việc giải quyết các vấn đề xã hội chủ yếu đến từ nhà nước thì nó sẽ dẫn đến việc thiếu nguồn lực để giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội. Cho nên phải bổ sung nguồn lực từ thị trường, tức các doanh nghiệp và từ các cá nhân và các tổ chức xã hội. Cơ chế này sẽ tối đa hóa được các nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội vốn ngày càng đa dạng.
Ngoài ra, mô hình Nhà nước - Thị trường - Các tổ chức xã hội và Cá nhân trong quản lý phát triển xã hội còn giúp cho việc tổ chức thực hiện các chính sách một cách hiệu quả. Nếu chỉ mỗi nhà nước đứng ra thực hiện hết các khâu, các công đoạn, các công việc thì chuyện thiếu, thất thoát các nguồn lực tài chính là điều dễ xảy ra vì thiếu sự giám sát hiệu quả.
- Thưa giáo sư, trong suốt cuộc đối thoại này, tôi hiểu một ý tưởng xuyên suốt của giáo sư: chúng ta vẫn giữ những nguyên lý căn cốt của mình nhưng để phát triển trong một thế giới hội nhập và nhiều thay đổi thì bắt buộc phải có những thay đổi mà rõ nhất là chuyển từ mô hình quản lý xã hội sang quản trị xã hội, phải không ạ?
- Đổi mới thể chế theo tôi phải mang tính toàn diện và ngoài những điều vừa trao đổi, tôi muốn bổ sung thêm rằng, sự đổi mới đó phải gắn liền với quá trình nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và tính dự báo được của thể chế.
- Rất mong là tới đây chúng tôi có cơ hội được nghe giáo sư tiếp tục phân tích về những yếu tố đổi mới rất quan trọng này. Xin chân thành cảm ơn giáo sư!
Theo ANTG
Tác giả: Phan Đăng (thực hiện) - Ảnh: Trọng Nghĩa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn