GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường) chủ trì hội nghị
Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV dễ hay khó? Tại sao lĩnh vực KHXH&NV có nhiều tiềm năng nhưng kết quả công bố quốc tế chưa tương xứng? Giải pháp nào để thúc đẩy công bố quốc tế trong đội ngũ cán bộ Trường ĐHKHXH&NV? Các nhà khoa học tại hội nghị không chỉ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong công bố quốc tế mà còn gợi ý những giải pháp tiếp cận từ góc độ quản lý, chính sách...
Tại hội nghị, TS. Phạm Đức Anh (Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN) cho biết: Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ĐHQGHN đặt mục tiêu đạt tối thiểu 600 công bố quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus mỗi năm, trong đó riêng lĩnh vực KHXH&NV có 60 bài.
Trong những năm qua, số lượng công bố quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus của ĐHQGHN có tốc độ phát triển đều và xu hướng đi lên. Đặc biệt, trong năm 2018, đội ngũ khoa học của ĐHQGHN đã công bố 603 bài ISI, Scopus. Công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV chiếm tỷ lệ trên dưới 1/10. TS. Phạm Đức Anh cho rằng lĩnh vực KHXH&NV có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng kết quả công bố quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, trong năm 2019, ĐHQGHN đề nghị có giải pháp để thúc đẩy mạnh hơn công bố quốc tế trong lĩnh vực này.
TS. Phạm Đức Anh (Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐHQGHN) cho rằng lĩnh vực KHXH&NV còn nhiều tiềm năng để công bố quốc tế
Chia sẻ về kinh nghiệm công bố quốc tế của nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Viện Chính sách và Quản lý, trưởng nhóm - PGS.TS Đào Thanh Trường khẳng định: Phần lớn các công bố quốc tế của nhóm đều là kết quả của các đề tài, dự án và 3/4 các công bố thuộc lĩnh vực khoa học chính sách và quản lý có tính chất liên ngành. Từ năm 2017 trở lại đây, nhóm đã thuê các chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ của đề tài, dự án; qua đó hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ cho các thành viên xoay quanh năng lực viết, công bố và xuất bản các bài báo quốc tế.
PGS.TS Đào Thanh Trường đánh giá cao những chính sách hiệu quả của Nhà trường đã hỗ trợ, thúc đẩy công bố quốc tế trong đội ngũ cán bộ thời gian qua, đồng thời đề xuất thêm một số giải pháp: Một là ĐHQGHN và Nhà trường giao nhiệm vụ cho các nhóm nghiên cứu mạnh, kèm theo giao kinh phí và chỉ tiêu công bố quốc tế. Các nhóm nghiên cứu được tự chủ về kinh phí và hoạt động để có hiệu quả cao nhất. Hoạt động của các nhóm nghiên cứu cần được tính đến và đặt trong chiến lược phát triển công bố quốc tế dài hơi của Nhà trường.
PGS.TS Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý) đề nghị giao kinh phí và chỉ tiêu công bố quốc tế đến từng nhóm nghiên cứu
Hai là Nhà trường quan tâm tuyển dụng các vị trí nghiên cứu viên cho các khoa, trung tâm, viện. Các vị trí nghiên cứu viên này có thể linh động theo biên chế của từng dự án nghiên cứu. Đã đến lúc Nhà trường cần đẩy mạnh việc xây dựng văn hoá công bố quốc tế, đưa công bố quốc tế trở thành nhiệm vụ thường xuyên và nhu cầu tự thân của cán bộ.
Cuối cùng, bên cạnh các công bố quốc tế thì một sản phẩm đặc thù của KHXH&NV cần được đặc biệt coi trọng là các tư vấn, khuyến nghị chính sách cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Cho rằng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV thấp hơn khi so sánh với các lĩnh vực khoa học khác - đây là một thực trạng chung ở nhiều nước, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học) cung cấp thông tin: số liệu khảo sát trong 6 năm gần đây cho thấy công bố trong lĩnh vực KHXH&NV của Malaisia chiếm 4,7% tổng số các công bố khoa học; ở Việt Nam tỷ lệ này là 5,7 % và bằng Singapore; cao nhất khu vực Đông Nam Á là Phillipine với tỷ lệ là 9,6%. Nếu tính theo từng trường thì Singapore có tỷ lệ bài công bố quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus là 15 bài/trường/năm; trong khi tỷ lệ này ở các nước còn lại trong khu vực là thấp, chỉ từ 1-2 bài/trường/năm.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học) cho rằng số lượng các công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV không cao so với các lĩnh vực khoa học khác là thực trạng chung ở nhiều quốc gia
Lý giải nguyên nhân khiến công bố quốc tế ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cho rằng nguyên nhân sâu xa ở sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế xã hội và mức đầu tư cho khoa học. So với các nước phát triển, đầu tư cho khoa học ở Việt Nam còn khoảng cách rất xa. Bên cạnh đó là những hạn chế khác xuất phát cả từ nguyên nhân chủ quan và khách quan của bối cảnh chung lẫn tử phía cá nhân các nhà khoa học. Đó là sự đứt mạch về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu với thế giới; không cập nhật kịp các vấn đề khoa học thời sự của thế giới; trình độ ngoại ngữ kém; đặc thù KHXH&NV ở Việt Nam... Do đó, để nâng dần số lượng và chất lượng các công bố quốc tế trong KHXH&NV thì cần có lộ trình và thời gian, không thể nóng vội.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng nhấn mạnh rằng yếu tố con người là điều quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các trường đại học. Do đó, Nhà trường cần kỹ lưỡng trong khâu tuyển chọn nhân sự để tuyển được người có năng lực và tố chất trong nghiên cứu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cần thông thoáng, cởi mở để phát huy hết sức năng lực sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (Khoa Xã hội học) phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan (Khoa Ngôn ngữ học) chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị, đó là nếu chưa xây dựng được nhóm nghiên cứu thì hãy tập trung đầu tư, khuyến khích các cá nhân phát triển mạnh năng lực nghiên cứu của mình theo hướng chuyên ngành riêng của từng người. Điều này xuất phát từ thực tế là các công bố quốc tế đều yêu cầu chuyên môn rất sâu về một lĩnh vực nào đó mà đôi khi khó tìm được những người chung hướng nghiên cứu.
Về kinh nghiệm để được đăng bài trên các tạp chí quốc tế, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan cho rằng các tạp chí khoa học nước ngoài rất quan tâm đến tư liệu khảo sát ở Việt Nam - đó là một lợi thế. Bên cạnh đó, các tác giả cần có có cơ sở lý thuyết cập nhật, khung lý thuyết phân tích hiệu quả và có vấn đề nghiên cứu nằm trong xu hướng thời sự đang được quan tâm... thì khả năng bài được chấp nhận sẽ cao.
Trước băn khoăn của nhiều người cho rằng chỉ những nhà khoa học được đào tạo chính quy ở các nước nói tiếng Anh mới có nhiều khả năng công bố quốc tế, PGS.TS Nguyễn Văn Lượt (Khoa Tâm lý học) dẫn chứng: đội ngũ cán bộ của Khoa Tâm lý học đa phần được đào tạo ở các nước nói tiếng Pháp, Nga song đến nay đều đã có các công bố quốc tế trên các tạp chí tiếng Anh. Đó là nhờ đặc thù của ngành Tâm lý học có yếu tố liên thông với quốc tế mạnh, cộng với tinh thần cởi mở, chia sẻ và nỗ lực cá nhân của các thầy cô trong khoa về vấn đề này nên đã đưa tới những kết quả nhất định.
PGS.TS Nguyễn Văn Lượt (Khoa Tâm lý học) chia sẻ kinh nghiệm về những nỗ lực của cá nhân để xuất bản được các bài báo trên các tạp chí quốc tế
Từ góc độ tâm lý, PGS.TS Nguyễn Văn Lượt cho rằng các nhà khoa học cần tự tìm tòi, chủ động tham gia các diễn đàn, mạng lưới khoa học quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu của mình để học hỏi, trao đổi chuyên môn.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) cho rằng nhà khoa học cần luôn duy trì trong mình niềm đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho khoa học, coi công bố quốc tế là cách để phát triển và chứng tỏ năng lực khoa học của bản thân. Trong lĩnh vực chuyên sâu của mình, các nhà khoa học Việt Nam cần kết nối được với các học giả hàng đầu thế giới, tự tin bắt tay, "chào hàng" bản thân để tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế, qua đó có thêm kinh nghiệm và xây dựng uy tín. Duy trì các mối quan hệ cá nhân rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ khoa học trong cộng đồng quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) phát biểu tại Hội nghị
Cung cấp góc nhìn thực tiễn, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) nhận xét: đại học nghiên cứu không chỉ là đích đến nữa mà tinh thần nghiên cứu phải luôn thường trực trong mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ, của trường đại học. Các trường đại học công lập nếu không cẩn thận sẽ đi sau trong cuộc đua về công bố quốc tế. Chất xám đang chảy từ hệ thống trường công sang hệ thống trường tư rất nhanh và các trường đại học tư thục đang cho thấy nỗ lực và đầu tư rất lớn cho công bố quốc tế.
Công bố quốc tế dễ hay khó, có triển vọng tích cực hay tiêu cực - là những nội dung vẫn còn tranh cãi, song không thể phủ nhận rằng hoàn toàn có thể đẩy mạnh được công bố quốc tế trên cơ sở tận dụng tốt các cơ chế chính sách hiện rất cởi mở ở các cấp cho hoạt động này.
Kết luận Hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) một lần nữa khẳng định: công bố quốc tế trong KHXH&NV là một xu thế tất yếu và một chủ trương đang được đẩy mạnh tại Trường ĐHKHXH&NV và ĐHQGHN. Nhất là bối cảnh giáo dục Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới dẫn đến nhu cầu quốc tế hóa trên các lĩnh vực, từ nghiên cứu, đào tạo cho đến quản trị đại học ngày càng mạnh mẽ. Bối cảnh ấy khiến các nhà khoa học Việt Nam phải năng động và chủ động để thích ứng với xu thế trên.
GS.TS Nguyễn Văn Kim kết luận Hội nghị
Trong thời gian qua, Trường ĐHKHXH&NV đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy công bố quốc tế cũng như phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ. Nhà trường có chính sách khen thưởng và hỗ trợ kinh phí cho các công bố quốc tế; mời nhiều chuyên gia quốc tế trong và ngoài nước đến chia sẻ kinh nghiệm công bố; tổ chức hội thảo, hội nghị về công bố quốc tế; đưa chỉ tiêu công bố quốc tế vào các nhiệm vụ khoa học thường xuyên; quan tâm đến các nhóm nghiên cứu mạnh...
Nhà trường cũng kêu gọi sự nỗ lực hơn nữa các thầy cô trong hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế nhằm khẳng định vị thế, vai trò, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học. Đã đến lúc công bố quốc tế trở thành yếu tố gắn chặt với sinh mệnh khoa học của từng cá nhân và của cả Trường ĐHKHXH&NV trong hiện tại và tương lai.
Tác giả: Thanh Hà, Công Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn