Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em

Thứ năm - 25/11/2021 23:05
Đây là chủ đề toạ đàm do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV) phối hợp với UNESCO tổ chức vừa qua (25/11) nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em; đưa ra phương thức tiếp cận thông tin, chia sẻ các câu chuyện về kỹ năng tác nghiệp và quy chuẩn đạo đức của nhà báo khi đưa tin bài về bạo lực giới. Tại sự kiện, phiên bản tiếng Việt của tài liệu “Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo” của UNESCO đã được giới thiệu tới các phóng viên, sinh viên báo chí, các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý báo chí, truyền thông.
IMG 88811
Bà Vũ Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
 
Tại toạ đàm, bà Vũ Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cảnh báo: 90% những kẻ gây ra hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em lại chính là những người thân, quen với gia đình họ. 63% phụ nữ Việt Nam từng ít nhất một lần là đối tượng chịu bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra nhưng hơn 90% nạn nhân đã chọn im lặng không nói ra. Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người chết vì bạo lực giới, “như vậy trong khoảng thời gian chưa uống xong một tách trà thì có một phụ nữ thiệt mạng”.
Nhấn mạnh rằng báo chí và truyền thông là một kênh quan trọng để thúc đẩy xã hội nâng cao nhận thức về bạo lực giới, bà Vân Anh cho rằng nhà báo trước hết rất cần phải trang bị cho mình kiến thức, nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới và bạo hành giới để có thể phản ánh câu chuyện một cách nhân văn và không vi phạm các nguyên tắc đạo đức. “Dù nhà báo gặp áp lực về thời gian và áp lực phải kể những chi tiết rất cụ thể để tăng tính chân thật nhưng bạn phải làm thế nào để khiến người trong cuộc không cảm thấy họ bị xâm hại lần hai, hoặc khiến họ bị lộ danh tính, rất dễ khiến cuộc sống của nhân vật rơi vào khủng hoảng”.
Bà Vân Anh cũng chia sẻ thực tế là nhiều trường hợp phóng viên đi phỏng vấn, lấy thông tin viết bài về bạo lực giới nhưng lại chưa nắm rõ nội hàm khái niệm về bạo lực giới khiến câu hỏi đặt ra không đủ sâu, thậm chí còn thể hiện cả sự định kiến trong suy nghĩ, khiến bài viết vô hình trung lại gây ra những nhận thức chưa đúng cho độc giả.
 
IMG 8883
TS. Đỗ Anh Đức (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông)

"Đôi khi chúng ta chỉ được lựa chọn một, một bên là sự nổi tiếng, sự hoàn thành nhiệm vụ với thông tin chân thật nhất với một bên là bảo toàn sự an toàn và nhân phẩm cho nhân vật. Đó đôi khi là sự lựa chọn khó khăn của nhà báo, phụ thuộc vào sự trưởng thành trong nhận thức của họ” - Giám đốc CSAGA nói.
 
IMG 8893
Ông Lê Xuân Trung (Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) tham gia trực tuyến
 
Ông Lê Xuân Trung (Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ) chia sẻ rằng, đã có những cuộc tập huấn về nâng cao kỹ năng phòng chống chống quấy rối tình dục, bạo hành với phụ nữ và trẻ em dành cho đối tượng là các phóng viên, nhà báo, với mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo ra sự bình đẳng, dân chủ về giới trong chính môi trường báo chí và truyền thông. Bên cạnh đó, bạo hành phụ nữ là một sự vi phạm nhân quyền, một vấn đề xã hội mà báo chí truyền thông có trách nhiệm tham gia phản ánh để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về vấn nạn này, góp phần thúc đẩy các chính sách, quy định, luật pháp để điều chỉnh các hành vi xã hội. Đưa tin về các vấn đề này sẽ có tác dụng răn đe xã hội, không phải chỉ để kể lại hành vi phạm tội đơn thuần mà phải là lời nhắc nhở, thúc giục xã hội, chính quyền chung tay ngăn chặn những hành vi bạo hành chống lại phụ nữ và trẻ em gái.
 
IMG 8855
Bà Lucila Carrasco (Ban Thông tin - Truyền thông UNESCO)
 
Chia sẻ về cuốn cẩm nang ““Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo”, bà Lucila Carrasco (Ban Thông tin - Truyền thông UNESCO) cho biết, đây là tài liệu do UNESCO xuất bản năm 2019 nhằm mang đến nguồn tư liệu hữu ích về vấn đề này dành cho các nhà báo, sinh viên báo chí, giảng viên, chuyên gia báo chí và truyền thông trên toàn thế giới. Đây là một công cụ giàu thông tin, có thể hỗ trợ thiết thực cho các nhà báo khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.
Cẩm nang đưa ra những chỉ dẫn về cách đưa tin về bạo lực giới, được chia làm 2 chương, cung cấp thông tin chuyên biệt về chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái liên quan đến: bắt nạt trên mạng và quấy rối trực tuyến các nhà báo nữ, kết hôn sớm hoặc tảo hôn, hôn nhân cưỡng bức, phá thai do giới tính, quấy rối tình dục, tấn công tình dục, các tội "giết người vì danh dự", buôn người và buôn người di cư, bạo lực đối với phụ nữ trong các cuộc xung đột, bạo hành bởi một người bạn đời thân mật hoặc bạn tình cũ và những vụ án mạng trong gia đình...
 
IMG 8876
 
Đi sâu vào kỹ năng nghề nghiệp của nghề báo, tài liệu đưa ra các khuyến nghị chung về cách giải quyết, bố cục và đưa tin tức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; các kỹ năng viết tin và biên tập liên quan đến nguyên tắc đảm bảo sự tôn trọng nhân phẩm, sự an toàn và sự tin tưởng với người được phỏng vấn, sự đồng thuận có cơ sở, lắng nghe phản hồi, lựa chọn địa điểm, sự nhạy cảm về văn hóa, chọn lọc phiên dịch, phỏng vấn trẻ em, chọn lọc hình ảnh... "Cẩm nang cung cấp cho các chuyên gia truyền thông một số khuyến nghị và ví dụ về thực hành; giúp các nhà báo giải quyết tốt hơn những tình huống khó xử mà họ phải đối mặt khi đưa tin về những vấn đề cụ thể về giới”.
 
IMG 8892
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHX&NV)
 
Từ phía cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHX&NV) cho biết: Viện đã tham khảo rất chặt chẽ Quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo gồm 10 điều do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành năm 2016, đưa những quy ước này vào chuẩn đầu ra của các CTĐT báo chí và truyền thông; mục tiêu là để đào tạo ra những nhà báo, nhà làm truyền thông vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa vững vàng về các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, điều 4 của Quy ước nêu rõ nhà báo phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư, không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của cá nhân hay tổ chức. “Là một cơ sở đào tạo đề cao các giá trị nhân văn trong đào tạo con người, báo chí Nhân văn là xu hướng của báo chí thế giới và cũng là giá trị mà chúng tôi theo đuổi. Chúng tôi đã và sẽ luôn cố gắng hiện thực hoá giá trị này trong các CTĐT và sản phẩm đào tạo của mình trong hiện tại và tương lai”.

Tin bài liên quan:
- Báo Nhân dân: 
- Báo Điện tử Đảng CSVN: 
- Báo Điện tử VOV: 

Tác giả: Thanh Hà, Ảnh: Trần Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây