Ngôn ngữ
Hội nghị có sự tham dự của Đảng uỷ, Ban giám hiệu hai trường cùng lãnh đạo các phòng, trung tâm, công đoàn khối hiệu bộ, đoàn thanh niên Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HN; lãnh đạo các phòng, ban, khoa, thư viện, bảo tàng, công đoàn, đoàn thanh niên trực thuộc Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS. TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM khẳng định sự đúng đắn và chiến lược trong việc hợp tác giữa hai trường ngay từ năm 2022. Từ những nền tảng ban đầu cho đến nay đã có nhiều hoạt động được triển khai và đạt được hiệu quả nhất định. Việc hợp tác giữa hai đơn vị còn là sự khẳng định vị thế của khoa học xã hội và nhân văn trong tất cả các lĩnh vực của xã hội.
PGS. TS Ngô Thị Phương Lan khẳng định việc xây dựng và củng cố vị thế của ngành khoa học xã hội và nhân văn là sứ mệnh chung của hai trường.
Mở đầu hội nghị, TS. Trần Anh Tiến – Trưởng Phòng Đối ngoại và Quản lý khoa học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM trình bày báo cáo tổng kết công tác hợp tác giữa hai Trường từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2024 trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học, phát triển nhân lực cùng các hoạt động trong lĩnh vực khác. Trong giai đoạn 2022-2024 hai đơn vị đã phối hợp và triển khai thành công nhiều hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực tế ở công tác đào tạo, công tác quản trị đại học và phát triển nhân lực cần được thúc đẩy triển khai và theo dõi chặt chẽ hơn.
TS. Trần Anh Tiến mở đầu hội nghị bằng báo cáo tổng kết giai đoạn 2022-2024 và trình bày một số gợi mở cho giai đoạn 2024-2026.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện hai trường đã trình bày các tham luận xoay quanh các nội dung phối hợp chính: (1) Tham luận: “Đề xuất chính sách công tác trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ giữa hai trường” do PGS.TS. Bùi Thành Nam – Trưởng Phòng Đào tạo, và ThS. Phạm Văn Huệ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG HN trình bày. (2) Tham luận: “Thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai các học phần chung giữa hai Trường” do TS. Cao Thị Châu Thủy – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo và PGS.TS. Lưu Văn Quyết – Trưởng Khoa Lịch sử, Chủ tịch Công Đoàn, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM trình bày. Và (3) tham luận “Một số trọng tâm hợp tác về nghiên cứu khoa học giữa hai trường: định hướng và giải pháp” do TS. Trịnh Văn Định – Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG HN trình bày.
Dư địa lớn nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc
Đại diện hai trường thông qua các tham luận cũng đã trực tiếp đưa ra các vấn đề và hiện trạng trong quá trình triển khai các hoạt động thực tế. Hợp tác đào tạo dù dư địa hợp tác rất lớn nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, quy trình và thủ tục hành chính còn chưa cụ thể, đầu mối tiếp nhận chưa rõ ràng; sự khác biệt về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo của hai trường cũng tạo khó khăn cho việc công nhận tín chỉ giữa hai bên; công tác đảm bảo cho sinh viên đi trao đổi gặp nhiều khó khăn về chỗ lưu trú, phương tiện đi lại, đảm bảo an ninh và cả sự khác biệt về văn hoá vùng miền; thời gian trao đổi cần xem xét để phù hợp với chương trình đào tạo chung của cả hai trường.
PGS.TS. Bùi Thành Nam (Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó CT Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo VNU-USSH) chia sẻ một số khó khăn và thách thức trong công tác trao đổi sinh viên giữa hai trường.
Qua khảo sát nhanh của phòng đào tạo trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN cho thấy, sinh viên các ngành đều có nhu cầu và mong muốn được vào TPHCM để tham dự các chương trình trao đổi, tuy nhiên để có thể mang lại hiệu quả cơ chế phối hợp cần phải được thống nhất rõ ràng, các đơn vị chuyên trách cần phải làm việc với nhau một cách chủ động và chặt chẽ hơn, từ đó hướng dẫn và hỗ trợ cho các khoa triển khai hoạt động này đến sinh viên hiệu quả.
Sự phối hợp cần quyết tâm lớn
Đó cũng là ý kiến được nhiều đại biểu nhấn mạnh trong hội nghị. Khi có quyết tâm, chúng ta sẽ chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
TS. Cao Thị Châu Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cam kết trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị sẽ thực hiện khảo sát nhu cầu trao đổi giảng viên và sinh viên tại các khoa, nghiên cứu đối sánh chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo để đưa ra cơ sở cho việc công nhận tín chỉ môn học, ngành học; hướng dẫn các khoa thực hiện; phối hợp cùng phòng đào tạo của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN để thống nhất và ban hành quy định, quy trình triển khai. ThS Phạm Văn Huệ - phó trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN - cũng cho rằng, sự quyết tâm của chúng ta giai đoạn trước có nhưng chưa đủ để vượt qua trở ngại, thầy cũng đề xuất đưa nội dung hợp tác, trao đổi sinh viên ở hai trường thành một từ khoá để truyền thông tuyển sinh trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đồng thời cũng là đơn vị tiên phong thực hiện chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên giữa hai trường chia sẻ, khó khăn thì rất nhiều, nhưng không phải không thể không giải quyết được, nhu cầu của các khoa là có thật, và cũng rất quyết tâm trong việc thực hiện. Điều các khoa cần là một cơ sở pháp lý và sự hướng dẫn cụ thể từ các đơn vị chuyên môn.
TS. Cao Thị Châu Thuỷ cam kết sẽ chủ động và triển khai quyết liệt công tác phối hợp đào tạo giai đoạn tiếp theo giữa hai trường.
Giai đoạn mới là sự kế thừa và phát triển
Sau khi tổng kết đánh giá hoạt động của giai đoạn 2022-2024, hai đơn vị đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cho giai đoạn 2024-2026 tiếp theo. Trên cơ sở kế thừa nền tảng của các hoạt động giai đoạn trước, khắc phục những hạn chế, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai, trường ĐH KHXH&NV ở hai miền nam bắc cùng thống nhất tiếp tục hợp tác ở các lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học, phát triển nhân lực, các hoạt động văn hoá, thông tin thư viện, đoàn thể v.v
Giai đoạn 2024-2026 sẽ là sự kế thừa và phát triển hơn nữa trên cơ sở những thành quả đã đạt được.
Phát biểu tổng kết hội nghị GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HN đã tái khẳng định việc hợp tác giữa hai trường là một định hướng đúng đắn, được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp. Đó là thuận lợi nhưng cũng là một thách thức, đặc biệt trong bối cảnh lớn của bức tranh giáo dục đào tạo hiện nay gặp áp lực lớn, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Thầy cam kết lãnh đạo hai trường sẽ quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại, chỉ đạo sát sao để đạt được mục tiêu đề ra cho kế hoạch chiến lược giữa hai trường giai đoạn tiếp theo. Và điều quan trọng là chúng ta phải "đồng tâm – đồng ý – đồng chí – đồng lòng" thì mọi thứ mới có thể đi đến đích cuối cùng.
GS. TS Hoàng Anh Tuấn tin tưởng vào tương lai "One USSH" sẽ mạnh mẽ và rõ nét hơn.
Đại diện hai đơn vị chụp ảnh lưu niệm thể hiện sự gắn kết bền chặt giữa hai đơn vị
Toàn thể hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Một số hình ảnh khác trong khuôn khổ chương trình:
Tác giả: Tin: THẢO HY; Ảnh: LÝ NGUYÊN - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM
Những tin cũ hơn