Làm báo là làm gì? Tuyên truyền, cổ động, tổ chức quần chúng ngày hôm nay có gì khác? Làm báo như thế nào sẽ là để dựng xây đời, để làm cách mạng - tạo ra những sự thay đổi mang tính chất tiến bộ cho xã hội?
Có lẽ, mỗi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ chính mình. Trong nông nghiệp, cuộc cách mạng bắt đầu có khi từ một cọng rơm, còn với báo chí có lẽ nên bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản nhất.
1.
Hồi còn học lớp hai, tôi lục trong tủ sách của bố thấy một quyển thơ có in bức tranh rất vui nhộn: Một người đầu đội nón cầm chiếc kèn vươn cao, nhìn kỹ thì thấy đây là bức tranh ghép từ các chữ cái - đó là cụm từ “Việt Nam độc lập”. Những câu thơ đính kèm là: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa. Kêu gọi dân ta trẻ đến già, đoàn kết vững bền như khối sắt, để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Hình ảnh rất vui nhộn này ăn sâu vào tâm trí đứa trẻ, vừa thân thương vừa gợi tò mò. Hình ảnh đó ở đâu và nhằm để làm gì nhỉ?
Sau này tôi vui mừng tìm thấy bức tranh nhỏ này trong tờ báo Việt Nam độc lập, cơ quan của tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Vì sao một đề tài nghiêm túc như vậy của một cơ quan nghiêm túc như vậy lại được thể hiện qua một bức tranh vui nhộn thế? Trở lại với thời điểm tờ báo ra đời sau khi Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng năm 1941, Bác quyết định phải ra báo để tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng làm Cách mạng. Quần chúng khi ấy ở Cao Bằng và các tỉnh miền núi Việt Bắc thì ít chữ và nghèo đói, không thể đọc những bài lý luận dài. Thì ra, bức tranh và bài thơ dễ thuộc là cách thức hiệu quả nhất phù hợp với đối tượng người đọc đó. Những bài thơ rất gần gũi như thế đã có sức lan toả hiệu triệu nhanh chóng tạo nên phong trào Cách mạng lan rộng từ Cao Bằng đi khắp cả nước.
Vậy thì đúng là Bác làm báo là làm Cách mạng, nên Bác chọn cách viết gần gũi như vậy. Cách viết ngắn gọn của Bác cũng nói lên mục đích: Làm báo là để làm gì. Cách thức vốn luôn đi liền và thể hiện mục đích.
Nhà báo Tạ Bích Loan
Ngày hôm nay cách thức đưa tin của những trang báo lại đặt ra câu hỏi: Làm báo để làm gì?
Cũng có thể làm báo là bán hàng nếu chúng ta nhìn vào những trang PR quảng cáo, kênh truyền hình bán hàng.
Làm báo là làm giải trí nếu chúng ta xem đủ loại chương trình và bài giải trí trên các kênh truyền hình và báo điện tử.
Làm báo là làm câu lạc bộ kết nối nếu chúng ta xem những trang mục tương tác trên mạng.
Làm báo là làm gì nếu không còn phải làm Cách mạng như những năm nào trong lịch sử Việt Nam?
Thử nhìn lại lịch sử lúc báo chí thế giới ra đời, lúc đó làm báo là làm gì?
Câu chuyện khá thú vị lúc tờ báo định kỳ đầu tiên của Pháp ra đời là chuyện năm 1631 chủ bút Renaudot của tờ Gazette xin được giấy phép từ Giáo chủ Richielleu cho ông đặc quyền: “in và bán cho bất kỳ ai mà ông muốn, những từ báo đưa tin về tất cả những gì xảy ra trong và ngoài vương quốc, về hội nghị, giá cả hàng hoá, những ấn phẩm khác của các văn phòng liên lạc cho đến mãi mãi và chỉ ông mới được quyền ấy mà thôi” (Lịch sử Báo chí Piere Albert NXB Thế giới 1999).
Qua văn bản nói trên có thể thấy hai việc cùng một lúc tờ báo đầu tiên được làm là đưa thông tin sự kiện quan trọng và giá cả hàng hoá. Bên cạnh đó là các cuộc tranh luận về các chủ đề khác nhau mà chủ bút tham gia với một phong cách sắc sảo. Theo Piere Albert ngay từ lúc mới manh nha ở cuối thế kỷ XV, các ấn phẩm đã cho thấy rõ ba chức năng chính của báo chí: Thông tin thời sự lớn, tường thuật thời sự lặt vặt hằng ngày và diễn đàn phát biểu ý kiến. Đây không chỉ là nhận xét riêng về báo chí Pháp. Mục đích của báo chí không phải bao giờ cũng là làm cách mạng nhưng báo chí luôn là công cụ làm cách mạng: Cách Mạng Anh, Cách mạng Pháp, Cách mạng Mỹ...
2.
Sự phát triển vũ bão công nghệ số trên toàn cầu đã thay đổi toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng và nền báo chí thế giới. Không cần phải nói gì hơn, chỉ cần quan sát chính cách thức chúng ta tìm hiểu và tham gia hoạt động thông tin, truyền thông hằng ngày hằng giờ đã có thể thấy thế giới truyền thông đã thay đổi đến mức nào trong thời gian qua. Mọi ranh giới đã bị xoá nhoà giữa các loại hình, phương tiện, phương thức, chủ thể, khách thể truyền thông... Hàng loạt khái niệm và mô hình hoạt động mới nhanh chóng ra đời, thay thế cho cái cũ và lại bị thay thế bởi những cái mới hơn. Những gã khổng lồ truyền thông bị teo tóp đi và những gã tí hon soán ngôi, trở nên to lớn rồi lại bị thay thế.
Trong bối cảnh ấy chúng ta lại một lần nữa, có thể nhìn lại xem trong thời đại số ngày nay, làm báo là làm gì?
Thách thức lớn nhất của báo chí hiện nay có lẽ là tốc độ sản sinh không thể đo đếm và nhanh hơn cả virus Corona, đó là lượng thông tin giả và cả thông tin thật trên mạng xã hội. Vì sự sinh tồn của mình, báo chí phải cạnh tranh và đồng thời cộng sinh với mạng xã hội. Từ góc độ nào đó, báo chí cũng bị biến đổi theo mạng xã hội để thích ứng với thời đại mới, công cụ truyền thông mới, thói quen tiêu thụ truyền thông mới...
Một trong những biến đổi đó là một lần nữa báo chí lại có thêm một chức năng mới cho mình. Đó là kiểm chứng lại thông tin, bên cạnh việc đồng hành, đi sâu và phát triển những đề tài, những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội.
Cũng từ đó báo chí lại thấy lại sứ mệnh nguyên thủy của mình, phát hiện lại tiêu chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nghề báo, giá trị cốt lõi của báo chí. Đó là tính trung thực, khách quan, công bằng, cân bằng, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, nhân văn ...
Trong một bài thơ có tên gọi “Nói với mình và các bạn”, nhà thơ Lưu Quang Vũ có viết:
“Nịnh đời dễ chửi đời dễ
Chỉ có xây đời thì mới khó khăn thôi’
Xây đời khó khăn có lẽ vì trong dòng chảy vũ bão của thông tin không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian cân nhắc chúng ta viết hay nói điều gì đó thực chất sâu xa là để mang lại điều gì cho chính chúng ta, cho cuộc sống xã hội, cho đất nước. Đúng hơn không phải lúc nào cũng có thời gian suy ngẫm chúng ta làm báo là để làm gì.
Kinh tế báo chí và cơ chế tự chủ báo chí đôi khi làm chúng ta cân nhắc ưu tiên lợi ích, Thật tuyệt vời khi có thể hài hoà các lợi ích, nhưng sẽ ra sao nếu sự nhượng bộ sẽ làm biến đổi mục đích. Những sự phiền lòng của xã hội với báo chí cũng có lẽ do có những trường hợp báo chí làm không đúng việc của mình.
3.
Ngày 21.6 chúng ta kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng. Tôi tự hỏi liệu hiện nay chúng ta có thể gọi bao nhiêu tờ báo, kênh truyền hình của chúng ta là “cách mạng”?
Trở lại thời kỳ Bác Hồ làm báo và cho ra đời Báo Thanh niên 21.6.1925, 96 năm trước đây, báo chí làm cách mạng là tuyên truyền, cổ động và tổ chức quần chúng, báo chí đã dẫn dắt quần chúng đi theo lý tưởng mới, tạo ra những sự thay đổi lớn lao cho xã hội, cho thế giới. Trong bài báo về Mục đích, Phương pháp, tư cách của người làm tuyên truyền, (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 191-192) Bác có nói: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Điều Bác dạy thể hiện đúng quan niệm làm báo là làm cách mạng. Bác gọi báo chí là vũ khí cách mạng và nhà báo là chiến sĩ.
Ngày hôm nay kẻ thù của chúng ta đã ngày một khó nhận diện và khó chiến thắng hơn, không chỉ là virus Corona, đó còn là những kẻ thù vô hình chính ở bên trong chúng ta.
Có một nhà báo chia sẻ với tôi, ông hiểu Cách mạng là “Đi đầu và Đổi mới.
Vậy hôm nay, đội ngũ báo chí đang đi đầu trên các mặt trận Phòng chống dịch bệnh COVID-19, đấu tranh chống tham nhũng, biểu dương người tốt việc tốt... cũng là đang tiếp tục cuộc Cách mạng: Góp phần xây dựng sức mạnh tinh thần tự lực tự cường, vì khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc.
Tác giả: TS. Tạ Bích Loan
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn