Top 10 Trang Cá Cược Bóng Đá Uy Tín

Ngôn ngữ      

Cô tôi - nữ giáo sư đầu tiên của ngành Tâm lí học

Thứ ba - 17/11/2015 22:04
Viết về người thầy yêu quí của mình là điều khó khăn vì trong vô vàn những điều cần chia sẻ và tri ân, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Gần 10 năm gắn bó với cô, tôi đi từ sự ngưỡng mộ, cảm mến đến sự nhập tâm cả có ý thức và vô thức về nhiều khía cạnh của cuộc sống, công việc mà cô bộc lộ qua những câu chuyện hàng ngày.
Cô tôi - nữ giáo sư đầu tiên của ngành Tâm lí học
Cô tôi - nữ giáo sư đầu tiên của ngành Tâm lí học

Viết về người thầy yêu quí của mình là điều khó khăn vì trong vô vàn những điều cần chia sẻ và tri ân, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Gần 10 năm gắn bó với cô, tôi đi từ sự ngưỡng mộ, cảm mến đến sự nhập tâm cả có ý thức và vô thức về nhiều khía cạnh của cuộc sống, công việc mà cô bộc lộ qua những câu chuyện hàng ngày.

Có một mùa thu cách đây nhiều năm, khi đó hai cô trò tôi đang chuẩn bị bài giảng cho một chương trình tập huấn, do thời gian gấp gáp nên cô tôi hẹn đến nhà cô làm việc vào buổi chiều cuối tuần. Đêm hôm trước thức khuya, cộng thêm một buổi sáng chạy đi chạy lại lo việc cá nhân, đến lúc đặt chân đến nhà cô, người tôi đã mệt rũ. Hai cô trò ngồi trước máy tính, trong lúc cô tôi giải thích vì sao cần làm thế này thế kia, vừa nói cô vừa bấm máy tính liên tục thì tôi… gật gù ngủ. Chừng 15 phút sau, khi cơn buồn ngủ đã qua, tôi giật mình tỉnh lại thì vẫn thấy cô tôi đang miệt mài với đống tài liệu trước mặt. Hú hồn, cô không biết tôi đã gật gù như thế trong lúc cô say sưa làm việc. Sức làm việc bền bỉ cả về trí tuệ và thể chất của cô với sự linh hoạt và tập trung cao độ, tôi tin tất cả giảng viên trẻ tuổi trong khoa, không ai có thể chạy theo cô được. Đôi khi hai cô trò đi cùng nhau, tôi vẫn hài hước nói với cô rằng thuật ngữ tâm lý phù hợp nhất với cô tôi, đó là “Rối loạn hành vi” - hiểu theo nghĩa cô có thể làm việc quên ăn, quên ngủ, quên thời gian. Điều đáng khâm phục là sự đam mê công việc chuyên môn lúc nào cũng bền bỉ như một thứ bản năng trong con người cô.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Đức - nữ giáo sư đầu tiên ngành Tâm lí học/Ảnh: Thành Long

Trong những câu chuyện cô kể về cha mình, tôi được biết cô là con gái thứ hai của cố nhà văn Trần Thanh Địch. Tình cờ tôi đọc được bài viết Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến của nhà văn Nguyễn Quỳnh, trong đó, ông viết về nhà văn Trần Thanh Địch là người luôn được anh em văn nghệ sĩ nể trọng vì tính “trung thực, độ lượng, không chấp nhặt trong quan hệ, không khoa trương, sử xự rất người lớn”. Cha cô đặt tên Đức cho cả bốn chị em cô, với mong muốn các con mình sau này luôn coi trọng và giữ chữ Đức trong cuộc sống và trong việc xây đắp truyền thống gia đình. Ở gần cô, tôi hiểu rằng cô tôi được thừa hưởng từ người cha của mình sự nhân ái, chín bỏ làm mười, sự chấp nhận người khác và tính hóm hỉnh, lạc quan. Qua những ngày tháng thơ ấu được ngồi giúp cha đọc những trang bản thảo để cha cô chép lại với “chi chit lỗi” đã được ông chỉnh sửa của các tác giả gửi đến nhà xuất bản, cô cũng học được từ ông sự chỉn chu, chặt chẽ trong câu chữ, văn phong khoa học, niềm say mê và tinh thần làm việc nghiêm túc.

Trong vai trò người thầy, cô tôi thuộc thế hệ những người thầy tiên phong áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, nhiệt huyết truyền kiến thức và lòng yêu nghề cho học trò. Thế hệ học trò nào đã từng học cô tôi đều in đậm dấu ấn về một người thầy tận tụy với từng bài giảng, với phương pháp dạy được đổi mới và dễ hiểu, với phong cách gần gũi ấm áp và nụ cười bừng sáng gương mặt.

Trong nghiên cứu khoa học, cô tôi nhạy cảm trong việc phát hiện những cái mới, những vấn đề nổi bật trong xã hội và trong lĩnh vực tâm lý. Các sách chuyên khảo cô đã viết luôn có tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, không thể không kể đến những cuốn sách như: Định kiến và phân biệt đối xử theo giới. Lý thuyết và thực tiễn (2006); Hành vi gây hấn - những phân tích từ góc độ tâm lý xã hội (2010); Game bạo lực với thanh thiếu niên - những phân tích từ góc độ tâm lý xã hội (2013); Mạng xã hội với sinh viên Việt Nam (2015). Cô cũng đóng góp cho ngành những giáo trình đào tạo chuyên môn mang tính khoa học và ứng dụng cao như: Nhận biết tâm lý trẻ em qua tranh vẽ (2009), Kỹ năng tham vấn cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật (2010), Giáo trình tham vấn tâm lý (2012), v.v…

Dấn thân vào con đường làm khoa học, cô tôi miệt mài làm việc và không ngừng học tập nâng cao chuyên môn. Ngay cả khi đã được phong hàm Phó Giáo sư (đợt 2001), cô vẫn xin đi thực tập sau Tiến sĩ một năm tại Pháp (2005) nhằm đào sâu hơn nữa những kỹ năng, tay nghề trong lĩnh vực thực hành trợ giúp người có rối nhiễu tâm lý. Với sự cần cù trong công việc và những đóng góp quan trọng cho ngành, năm 2010, cô tôi được nhận học hàm Giáo sư Tâm lý học. Cô trở thành nữ Giáo sư đầu tiên trong ngành Tâm lý học và tính đến thời điểm hiện tại, cô vẫn là nữ Giáo sư duy nhất của ngành. Một điều tuy cô không bao giờ chia sẻ nhưng tôi tin đó là niềm tự hào với bất cứ ai đã mang nghiệp làm Thầy, đó là: trong số 7 tiến sĩ trẻ đang làm việc ở khoa, cô tôi là giáo viên hướng dẫn chính hoặc là đồng hướng dẫn cho 5 tiến sĩ, trong đó có tôi. Đến thời điểm này, cô tôi đã hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn thành công cho 15 tiến sĩ (tính cả số học trò ở cơ sở đào tạo bên ngoài) và đang hướng dẫn cho 5 nghiên cứu sinh. Vì điều này và với tất cả lòng mến yêu, trân trọng dành cho cô, tôi muốn được mọi người gọi tôi là “học trò của cô Minh Đức” dù rằng mỗi khi đi cùng nhau, cô tôi vẫn luôn giới thiệu tôi là “đồng nghiệp”. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy mình chưa xứng với từ “đồng nghiệp” đó. Cho đến mãi sau, tôi sẽ vẫn luôn nhận là “học trò” của cô, tôi yêu và tự hào vì điều đó.

Ảnh: Thành Long

 

Ý thức rõ tính chất nghề tâm lý không chỉ là nghiên cứu và giảng dạy, mà điều cần thiết là người giảng dạy cũng cần trau dồi kỹ năng thực hành để có thể hướng dẫn sinh viên làm nghề, trong nhiều năm, cô tôi không ngừng tìm hiểu và nâng cao khả năng thực hành của bản thân bằng việc làm tham vấn/trị liệu miễn phí cho rất nhiều người thật sự có khó khăn tâm lý, chủ yếu là thanh niên bị trầm cảm hay có ý định tự sát. Không những thế, đối với các dự án cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ, như tổ chức Plan, UNICEF, v.v… cô tham gia tập huấn cho những người làm nghề trợ giúp trong nhiều chủ đề khác nhau như: Kỹ năng làm việc với trẻ vi phạm pháp luật, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ có bạo lực học đường, người có HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo hành và bị buôn bán… Với tư cách là chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực thực hành và đào tạo thực hành, cô tôi được nhiều tổ chức quốc tế và trong nước mời làm việc trong vai trò là chuyên gia giám sát chuyên môn, giúp nâng cao tay nghề cho những người trẻ tuổi mới bước vào nghề trợ giúp tâm lý, như các dự án nâng cao kỹ năng và giám sát tham vấn cho cán bộ làm việc với trẻ vi phạm pháp luật ở các trường giáo dưỡng trong cả nước, dự án nâng cao kỹ năng và giám sát tham vấn cho nhân viên đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em quốc gia 18001567, v.v…

Ở gần cô từng đó năm, tôi nhận thấy ở cô sự khiêm tốn và thái độ trân trọng khi nói về các đồng nghiệp đàn anh, sự hài hòa với những người đồng trang lứa và sự tận tình trong việc giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ. Cô luôn định hướng cho chúng tôi từ việc viết bài báo khoa học, làm đề tài nghiên cứu khoa học, đến việc giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học…

Là nữ trí thức có nhiều năm tuổi trẻ sống và học tập ở châu Âu, cô tôi yêu cái đẹp, cô là người có đôi mắt và tâm hồn tinh tế, dễ cảm nhận và rung động vì cái đẹp. Cô từng tâm sự với tôi rằng, gặp người phụ nữ làm chuyên môn giỏi cô rất kính trọng, nhưng gặp người phụ nữ vừa giỏi chuyên môn, vừa biết làm đẹp và đạo đức thì cô rất ngưỡng mộ. Và với tôi, cô tôi là người phụ nữ đẹp! Cái đẹp toát ra từ thần thái, từ trí tuệ, từ tâm hồn và cả từ vẻ ngoài của cô. Nếu ai đó tin rằng phụ nữ làm khoa học, lại thành công trên con đường vất vả ấy, ắt hẳn sẽ khuyết thiếu chuyện tình cảm gia đình thì cô tôi là minh chứng cho sự thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong đời sống cá nhân. Tôi thích nghe những câu chuyện cô kể về hai người con và những tháng năm cô đi theo thời thơ ấu của con mình. Có mẹ là một phụ nữ Huế đảm đang, cô tôi thừa hưởng tất cả những ưu điểm từ mẹ như sự tháo vát, chỉn chu trong cuộc sống gia đình. Tôi thích hình ảnh cô ngồi cặm cụi sửa lại quần áo. Những khoảnh khắc như vậy đã in dấu ấn trong gia đình cô!

Mỗi khi cô trò tôi đi cùng nhau, tôi luôn hạnh phúc đan xen cảm giác tự ti khi ai đó nhận xét tôi giống cô như mẹ con. Hạnh phúc vì người ta thấy tôi giống với người thầy mà tôi luôn kính trọng, trân quí. Tự ti vì tôi thấy mình nhỏ bé cả theo nghĩa khoa học, đạo đức và sự nhân ái đối với cuộc sống luôn thường trực trong con người cô tôi. Những bài học của cô đi theo tôi như một hành trang cho sự trưởng thành trong cuộc sống. Có những lúc mệt mỏi, cô đơn, hoài nghi, vùi mình trong nước mắt, tôi lại nhớ đến lời cô tâm sự: “Cha cô luôn dạy rằng, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, con hãy nhủ lòng đây chưa phải khó khăn lớn nhất trong đời. Trước mắt còn nhiều khó khăn lớn hơn đang chờ đợi mình. Vài năm sau nhìn lại con sẽ bật cười vì những khó khăn nhỏ bé này và tự hào mình đã vượt qua chúng”. Những lúc đó, tôi lại thấy mình được sốc lại tinh thần, lại có thêm động lực và niềm tin vào bản thân mà bình thản đi qua khó khăn.

Gần 10 năm gắn bó với cô, tôi thầm cảm ơn cơ duyên đã đưa tôi đến gần cô. Từ một người không có định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp, nhất là với nghề dạy… tâm lý, tôi đi theo nghiệp giảng dạy và nghiên cứu bằng sự say mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm được cô vun đắp. Trong thâm tâm mình, tôi lấy hình tượng cô làm khuôn mẫu để hướng tới và thầm ước mong sẽ trở thành cô Minh Đức thứ hai, cả trên lĩnh vực khoa học và cuộc sốn

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2015.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ TRẦN THỊ MINH ĐỨC

  • Năm sinh: 1954.

    Quê quán: Thừa Thiên – Huế.

    Tốt nghiệp đại học ngành Tâm lý học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Sofia (Bulgaria) năm 1977.

    Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý học xã hội tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Sofia (Bulgaria) năm 1991.

    Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2001.

    Được công nhận chức danh Giáo sư năm năm 2010.

    Thời gian công tác tại trường: Từ năm 1978 đến nay.

                + Đơn vị công tác:

                Khoa Triết học, Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1978-1991).

                Khoa Xã hội học - Tâm lý học (1992-1997).

                Khoa Tâm lý học (từ năm 1997 đến nay).

                + Chức vụ quản lý:

                Phó Chủ nhiệm Khoa Xã hội học - Tâm lý học (1994-1997).

    Trưởng Bộ môn Tâm lý học xã hội, Khoa Tâm lý học (1998-2007).

    Trưởng Bộ môn Tâm lý học Tham vấn, Khoa Tâm lý học (từ năm 2008 đến nay).

    Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, ĐHQGHN (2003-2013).

    Các hướng nghiên cứu chính: Tâm lý học xã hội và Công tác xã hội, Tâm lý học gia đình và giới, Tâm lý học tham vấn.

    Các công trình khoa học tiêu biểu:

    1.      Định kiến và phân biệt đối xử theo giới (chủ biên), NXB ĐHQGHN, 2006.

    2.      Các thực nghiệm trong tâm lí học xã hội, NXB ĐHQGHN, 2008, 2014.

    3.      Tham vấn tâm lý, NXB ĐHQGHN, 2009, 2014.

    4.      Nhận biết tâm lý trẻ em qua tranh vẽ (xuất bản cả tiếng Việt và tiếng Anh), NXB KHKT, 2009.

    5.      Game bạo lực với thanh thiếu niên - những phân tích từ góc độ tâm lý xã hội (chủ biên), NXB ĐHQGHN, 2013.

Tác giả: TS. Bùi Thị Hồng Thái

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây